Sắp diễn ra Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP Đồng bằng sông Cửu Long

12:48' - 21/05/2019
BNEWS Khoảng 300 - 350 gian hàng sẽ tham gia Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ nhất năm 2019 được tổ chức tại tỉnh Bến Tre từ ngày 6-10/6/2019.

Ghép cây giống tại nhà vườn. Ảnh: Huỳnh Phúc Hậu - TTXVN

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo giới thiệu về hội chợ này do Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 21/5 tại Bến Tre. 

Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, đây là lần đầu tiên hội chợ sản phẩm OCOP cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long tổ chức.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu những sản phẩm OCOP của các địa phương; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm triển khai chương trình và kinh nghiệm tổ chức, sản xuất, chế biến phát triển sản phẩm OCOP giữa các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với các địa phương tham dự hội chợ.

Giám đốc Sở Công Thương Bến Tre Lê Văn Khê cho hay, với chủ đề “Sản phẩm OCOP- Tiềm năng và Phát triển”, hội chợ lần này thu hút khoảng 300-350 gian hàng giới thiệu các sản phẩm OCOP của 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Đông Nam bộ, Tây Nguyên, miền Bắc, miền Trung tham gia.

Theo ông Khê, đến thời điểm hiện nay đã có 260 gian hàng của các tỉnh đăng ký tham gia hội chợ. Các sản phẩm trưng bày trong hội chợ là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng của địa phương thuộc nhóm sản phẩm OCOP, gồm thực phẩm, ẩm thực; đồ uống; thảo dược; vải và may mặc; nội thất-trang trí-lưu niệm và dịch vụ du lịch nông thôn cùng nhiều sản phẩm tiềm năng khác.

Ngoài ra, trong khuôn khổ hội chợ sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo về xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn, khởi nghiệp chương trình OCOP…

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm được xem là một trong những chương trình phát triển kinh tế quan trọng của cả nước, là động lực phát triển kinh tế nông thôn, phục vụ có hiệu quả cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm được khởi xướng đầu tiên tại tỉnh Quảng Ninh từ năm 2013. Đến nay, chương trình đã gặt hái được một số thành công ban đầu.

Từ thành công của mô hình này, các địa phương khác trong cả nước đã học hỏi kinh nghiệm trong việc phát huy thế mạnh của sản phẩm truyền thống đặc trưng của địa phương trên cơ sở chuyển đổi các nhóm hộ kinh doanh, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang hình thức liên kết tập thể, sản xuất tập trung vào sản phẩm có lợi thế của địa phương.

Từ đó, tạo ra được nhiều sản phẩm thương hiệu, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần vào sự phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới bền vững.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập, Bến Tre là 1/12 tỉnh chỉ đạo điểm của Chương trình OCOP của Trung ương. Tại Bến Tre, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, định hướng 2030 đã được triển khai.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành bộ tiêu chí trình tự, thủ tục đánh giá và xếp hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre.

Đây được xem là một trong những giải pháp phù hợp và cần thiết để Bến Tre đạt được mục tiêu đề ra, nhằm đóng góp tích cực và đẩy nhanh tiến trình thực hiện trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của tỉnh.

Tỉnh Bến Tre phấn đấu đến năm 2020, có 100% xã trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và toàn tỉnh có từ 30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên theo Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. 

Ngoài ra, Bến Tre đặt mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có khoảng 250 sản phẩm, dịch vụ OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Năm 2030, hình thành mới khoảng 50 tổ chức kinh tế dựa vào cộng đồng, có liên kết chuỗi giá trị bền vững.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục