Sắp diễn ra Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ tư

16:44' - 23/05/2022
BNEWS Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 sẽ diễn ra vào buổi sáng ngày 29/5 tại tỉnh Sơn La, cùng 62 điểm cầu trên cả nước.

Ngày 23/5, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức họp báo công bố thông tin về các hoạt động chuỗi sự kiện: Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân; Festival trái cây - sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022; Lễ khởi công và khánh thành các dự án kinh tế -xã hội tại tỉnh Sơn La.

Các sự kiện trên sẽ được diễn ra trong 2 ngày 28 và 29/5 với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại tỉnh Sơn La; trong đó trọng tâm là Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam sẽ diễn ra vào buổi sáng ngày 29/5 tại tỉnh Sơn La, cùng 62 điểm cầu trên cả nước.

Với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân; thực hiện tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, hội nghị sẽ diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, cùng 500 đại biểu có mặt trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La; trong đó có 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho 12 triệu hộ hội viên nông dân cả nước. Cùng với đó, hội nghị còn có sự tham dự của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tại 62 điểm cầu trên cả nước.

Ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập báo Nông thôn ngày nay, đại diện Ban Tổ chức cho biết, tính đến trước ngày 23/5 đã có hơn 1.600 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới người đứng đầu Chính phủ. Các câu hỏi được bà con nông dân, bạn đọc cả nước gửi về thông qua các kênh, đó là: Hội Nông dân các tỉnh, thành phố; các câu hỏi trực tiếp của chuyên gia, nhà khoa học; các câu hỏi được gửi đến Báo điện tử Dân Việt - cơ quan của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Qua tổng hợp và báo cáo, nội dung các câu hỏi, đề xuất, kiến nghị tới Thủ tướng lần này tập trung vào một số nội dung chính như: tình hình giá cả vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đang tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp; các vấn đề liên quan đến những bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, tình trạng “sốt” đất nông nghiệp và nhiều ý kiến kiến nghị, cần sớm sửa đổi Luật Đất đai. 

Các vấn đề về thúc đẩy liên kết, hợp tác, phát huy tốt hơn nữa vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp; vấn đề khó khăn về nguồn vốn cho sản xuất nông nghiệp; tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn. 

Hay các vấn đề về bảo tồn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa nông thôn; đặc biệt là các chính sách, chiến lược liên quan đến việc phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, căn cơ.

Theo Ban Tổ chức, dự kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp gặp gỡ, đối thoại và trao đổi trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn với đại diện 300 nông dân Việt Nam tiêu biểu; với đại diện Hội Nông dân các cấp. 

Bên cạnh đó, điểm mới của hội nghị năm nay, đó là Thủ tướng cũng sẽ đối thoại,

trao đổi với các hợp tác xã, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; các chuyên gia, nhà khoa học.

Tham dự Hội nghị đối thoại với Thủ tướng, còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các địa phương để cùng trao đổi, giải đáp các thắc mắc, vấn đề mà nhiều bà con nông dân quan tâm; đồng thời đưa ra những giải pháp, chiến lược để phát triển trong thời gian tới.

Tại Hội nghị lần này, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cũng đưa ra các đề xuất, kiến nghị lớn với Thủ tướng và Chính phủ, gồm: một số định hướng lớn về chính sách tạo điều kiện cho bộ phận cư dân nông thôn chuyển thành công nhân có thể trở thành thị dân; về chủ trương, giải pháp phát triển đô thị ngay tại nông thôn, hình thành những vùng quê đáng sống, để người nông dân “ly nông không ly hương”.

Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sản xuất nông nghiệp để thực hiện được vai trò chủ thể của mình trong chuyển đổi số nông nghiệp; định hướng lại vấn đề về chăn nuôi gia công khi người nông dân hưởng lợi quá ít trong chuỗi giá trị này; vấn đề về tăng cường các giải pháp, chính sách để tăng tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng

thị trường xuất khẩu và hạn chế lệ thuộc vào một thị trường…

Trong chuỗi sự kiện, Festival trái cây sản phẩm OCOP Việt Nam dự kiến khai mạc vào tối ngày 28/5 tại Quảng trường Tây Bắc, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La và kéo dài trong thời gian 5 ngày (28/5 đến 1/6). 

Quy mô Festival dự kiến khoảng 500 gian hàng chia thành các khu vực: “Nông sản Việt và sản phẩm OCOP - vươn ra Thế giới”; Triển lãm “Thành tựu phát triển nông nghiệp Việt Nam”; Triển lãm “Thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và tiềm năng phát triển của tỉnh Sơn La”… 

Thông qua chuỗi sự kiện nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư của tỉnh Sơn La với các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước; thúc đẩy giao lưu văn hóa - kinh tế - du lịch; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu, kết nối thị trường sản phẩm OCOP và nông sản, đặc biệt là các loại trái cây đặc sản của địa phương trên thị trường trong và ngoài nước.

Theo Ban Tổ chức, nhân dịp này, dự kiến Thủ tướng sẽ tham dự lễ khởi công dự án Thiên đường sữa Mộc Châu, khánh thành cầu kính Mộc Châu; thăm mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu và thăm tiến độ xây dựng và đầu tư Tổ hợp chế biến rau quả Doveco - dự án chế biến rau quả lớn nhất tỉnh Sơn La tại huyện Mai Sơn.

Ông Nguyễn Thành Công - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, khi tổ chức chuỗi sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, Festival trái cây - sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022…  Sơn La kỳ vọng sẽ quảng bá được con người và các sản phẩm của tỉnh. Tỉnh mong muốn kết nối với các tỉnh trong cả nước để hỗ trợ, tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây; hỗ trợ để thu hút đầu tư và phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, bền vững; quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục