Sắp hoàn thành cổ phần hóa Tổng Cty Giấy Việt Nam

16:14' - 05/10/2015
BNEWS Trong tháng 10, Bộ Công Thương dự kiến sẽ trình Thủ tướng phê duyệt phương án cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Giấy Việt Nam và sẽ hoàn thành cổ phần hoá tổng công ty này trong năm 2015.

Theo báo cáo về công tác đổi mới doanh nghiệp nhà nước của Bộ Công Thương, tính đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá của 4 doanh nghiệp bao gồm, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty TNHH MTV Điện máy và Đầu tư; Công ty TNHH MTV Xây lắp và vật liệu xây dựng 5.

Còn lại 3 doanh nghiệp là Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, Công ty TNHH MTV Thực phẩm và Đầu tư Fococev, Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC vẫn chưa hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.

Bộ Công Tthương sẽ hoàn thành phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá. Ảnh: Bộ Công Thương

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện đang thẩm định hồ sơ xác định giá trị cổ phần hoá của Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp. Trong tháng 10 này, Bộ sẽ hoàn thành phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá.

Đối với Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam, đơn vị này đã xây dựng và hoàn thiện phương án cổ phần hoá và có văn bản báo cáo Bộ Công Thương. Hiện Bộ Công Thương đã thẩm định phương án cổ phần hoá đơn vị này. Dự kiến, Tổng công ty sẽ triển khai bán cổ phần lần đầu và hoàn thành công tác cổ phần hoá trong năm 2015.

Đối với Tổng công ty Giấy Việt Nam, trong 9 tháng qua, đơn vị đã hoàn thành báo cáo tài chính được kiểm toán đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp là ngày 31/12/2015. Hiện nay, Bộ đã ban hành Quyết định số 10173/QĐ-BCT ngày 23/9/2015 về việc xác định giá trị Công ty mẹ - Tổng công ty Giấy Việt Nam để cổ phần hoá. Dự kiến, trong tháng 10 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hoá và cũng hoàn thành việc cổ phần hoá Tổng công ty này trong năm 2015.

Trong 9 tháng năm 2015, các doanh nghiệp đã tích cực cổ phần hoá theo chỉ đạo của Bộ. Tuy nhiên, việc xác định giá trị doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu về thời gian, tiến độ do đa số doanh nghiệp đều gặp khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài chính, công nợ, tài sản, đất đai..., đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết, xử lý tài chính...

Về công tác thoái vốn, Bộ Công Thương cho biết, 9 tháng qua, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam đã hoàn thành việc thoái vốn tại 6 Công ty, tổng số vốn đầu tư đã thoái là hơn 79 tỷ đồng, thu về hơn 161 tỷ đồng, bảo toàn vốn đầu tư và có lãi.

Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam đã hoàn thành thoái vốn ở 5 đơn vị, gồm Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại Vinacomin, Công ty cổ phần Cơ khí ô tô Uông Bí, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại Than Uông Bí, Công ty cổ phần Thiết bị điện và Công ty cổ phần Cơ khí Hòn Gai với tổng số tiền thu về là 104 tỷ đồng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoàn thành thoái vốn gần 272 tỷ đồng tại các đơn vị là Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí, Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí, công ty cổ phần PVI.

Công ty Giấy Việt Nam đã thoái vốn tại 3 đơn vị: Công ty cổ phần May Diêm Sài Gòn, Công ty cổ phần Chứng khoán thương mại và công nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần Xây dựng thương mại Châu Giang Sóc Đăng với tổng số vốn thu về hơn 41 tỷ đồng.

Bộ Công Thương cho biết Bộ đã làm việc với Lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để thống nhất về lộ trình, kế hoạch chuyển giao các doanh nghiệp cổ phần hoá về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, Bộ đã hoàn thành Biên bản và hồ sơ bàn giao Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam và 2 Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam, Công ty cổ phần Du lịch xúc tiến thương mại để chuẩn bị thực hiện công tác bàn giao quyền đại diện vốn nhà nước về SCIC theo quy định./.

Đức Dũng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục