Sạt lở bờ biển nghiêm trọng tại Thừa Thiên – Huế

12:00' - 01/11/2020
BNEWS Ảnh hưởng của các cơn bão số 5, số 9 và các đợt mưa lũ dài ngày vừa qua đã làm cho tình trạng sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên - Huế càng gia tăng.

Ảnh hưởng của các cơn bão số 5, số 9 và các đợt mưa lũ dài ngày vừa qua đã làm cho tình trạng sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên - Huế càng gia tăng, nhất là ở các địa điểm xung yếu biển ăn sâu vào đất hàng chục mét, uy hiếp đến đời sống của hàng trăm hộ dân, nguy cơ cao mở thêm cửa biển mới.

Giang Hải là xã bãi ngang ven biển của huyện Phú Lộc, có đường bờ biển dài 4km. Hơn 10 năm trở lại đây, tình trạng biển xâm thực diễn ra ngày càng phức tạp, hằng năm thường ăn sâu vào đất liền từ 10 – 15m, ảnh hưởng đến sản xuất cũng như đời sống dân sinh của nhân dân trên địa bàn xã. Cứ mỗi mùa mưa bão đến, bà con nơi đây lại nơm nớp lo sợ.

Chỉ tay về phía biển ông Nguyễn Quang Tăng, thôn Mỹ Cảnh, xã Giang Hải chia sẻ: Phần bờ biển này ngày xưa là đất ruộng. Rồi biển xâm thực, mỗi năm một ít, có năm lấn vào đất liền hai chục mét, không biết vài năm nữa sẽ ra sao.

Nhất là khi bão số 9 đi qua, biển lại tiếp tục ăn sâu vào đất liền hơn chục mét, các hàng quán kinh doanh phục vụ khách tắm biển đã bị đánh sập hoàn toàn; tuyến Tỉnh lộ 21 cũng bị sóng đánh gây xói lở, đứt gãy gần cả cây số, ảnh hưởng đến giao thông, bà con đi lại rất khó khăn.

Sau bão số 9, tình trạng sạt lở bờ biển xã Giang Hải trở nên nghiêm trọng hơn, nhiều đoạn xói lở sâu vào đến khu vực dân cư. Những hàng phi lao rừng phòng hộ hàng chục năm tuổi cũng bật gốc, nằm chỏng chơ cạnh chân sóng.

Bà Mai Thị Mãn thôn 1, xã Giang Hải cho biết: Hàng chục năm nay, mỗi khi có mưa bão, người dân phải kéo nhau đi lánh nạn. Đợt bão này lớn, sóng đánh mạnh, quật ngã cây la liệt trên nhiều diện tích rừng phòng hộ, số rừng còn lại không biết có giữ qua được mùa mưa bão này không.

Hơn nữa, sóng lớn cát và nước mặn cũng tràn vô ruộng, không biết đến vụ Đông Xuân có làm được không. Mấy ngày trước bão, dân cùng bộ đội hàng trăm người đã làm đê chắn sóng rồi mà không ăn thua. Chúng tôi, mong muốn chính quyền cấp trên quan tâm, hỗ trợ xây dựng đê kè để người dân ven biển an cư lạc nghiệp.

Ông Nguyễn Hữu, Chủ tịch UBND xã Giang Hải cho biết: Do ảnh hưởng của các cơn bão và mưa lũ trên diện rộng, đặc biệt là bão số 9, tình trạng xâm thực bờ biển trên địa bàn xã lại trở nên nghiêm trọng; khiến 2 hecta diện tích rừng phòng hộ thiệt hại hoàn toàn; tuyến Tỉnh lộ 21 có 900m bị hư hỏng 100%, cát vùi lấp khoảng 2km, với khối lượng 350m3.

Đặc biệt là ở thôn Mỹ Cảnh và thôn 4 của xã bị xâm thực 20m, chiều dài khoảng 1km, có nguy cơ mở cửa biển, ảnh hưởng hơn 100 hecta sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản và cuộc sống của khoảng 200 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu. Nhân dân, chính quyền xã Giang Hải mong muốn cấp trên quan tâm đầu tư xây dựng kè kiên cố 1,5 km còn lại trên toàn tuyến trên bờ biển.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện có 10 điểm bị sạt lở với chiều dài hơn 14 km tập trung ở các đoạn xung yếu của các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà. Trong đó, nhiều đoạn sạt lở nặng như: Đoạn bờ biển qua xã Phú Thuận, huyện Phú Vang dài hơn 3 km tiếp tục bị xói lở nặng sâu vào 7 - 10m, ảnh hưởng đến các hộ dân, mất rừng phòng hộ; xã Phong Hải, huyện Phong Điền tiếp tục bị sạt lỡ bờ biển dài khoảng 3 km, chiều sâu xói lở từ  5 -10m, ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân; xã Hải Dương, Thị xã Hương Trà tiếp tục bị xói lở khoảng 1 km.

Trước tình hình sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng,Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên – Huế đã phối hợp với chính quyền địa phương huy động vật tư, nhân lực để xử lý tạm thời các điểm sạt lở nặng bờ biển và di dời các hộ dân đến nơi an toàn.

Tại xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, địa phương đã huy động hơn 1.000 người gồm người dân, dân quân, công an, cán bộ địa phương, chiến sỹ bộ đội biên phòng; các vật tư dự trữ như rọ đá, đá hộc, vải lọc, xử lý khẩn cấp chống xói lở cho 2,5km bờ biển. Xã Phong Hải, huyện Phong Điền cũng huy động lực lượng khoảng 700 người gồm cán bộ, chiến sỹ bộ đội biên phòng và người dân xử lý sạt lở bờ biển với chiều dài hơn 1,5 km.

Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp cấp bách, gia cố tạm thời, chỉ giảm tải một phần nào mức độ tàn phá của thiên tai. Về lâu dài, địa phương cần có phương án để thực hiện kiên cố hóa các tuyến đê, kè trên bờ biển.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết: Sau các đợt bão lũ vừa qua, do thủy triều lên cao, tình trạng sạt lở bờ biển diễn biến phức tạp và nghiêm trọng ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hường Trà; riêng khu vực Phú Vang, Phú Lộc có khoảng 2,5km bị sạt lở nặng cần xử lý khẩn cấp.

Trong thời gian qua, địa phương đã đầu tư xây dựng kiên cố hóa bằng bê tông các tuyến kè biển với chiều dài hơn 4km cho các đoạn xung yếu. Các đoạn kè này đã phát huy tác dụng rất tốt. Với diễn biến phức tạp như hiện nay, tỉnh đang tranh thủ các nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa khoảng 3km bờ biển để hạn chế tình trạng biển xâm thực cũng như đảm bảo cuộc sống của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục