Sau 19 năm, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng gần 17 lần

21:32' - 30/12/2019
BNEWS Theo Tổng cục Hải quan, sau 19 năm từ năm 2001 đến năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng 17 lần.
Trong 11 tháng năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI đạt 297,87 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: TTXVN

Trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới vẫn diễn biến phức tạp, các nền kinh tế lớn tăng trưởng không đồng đều. Việt Nam đã từng bước thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế đất nước.

Theo Tổng cục Hải quan, sau 19 năm từ năm 2001 đến năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã tăng 17 lần.

Tổng cục Hải quan cho biết, bước vào năm đầu tiên của thế kỷ 21 (năm 2001), tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam mới chỉ ở con số khiêm tốn hơn 30 tỷ USD. Sau 6 năm, năm 2007, tổng trị giá xuất nhập khẩu cả nước đã đạt con số 100 tỷ USD, sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bốn năm sau, năm 2011, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi đạt con số 200 tỷ USD. Trong thời gian 4 năm tiếp theo, năm 2015, xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD. Với thời gian rất ngắn, chỉ 2 năm sau đó, vào giữa tháng 12/2017, tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD. Tiếp nối 2 năm sau đó, trong nửa cuối tháng 12/2019, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc trên 500 tỷ đồng USD.

Nhờ những kết quả tích cực đã đạt được, thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam (theo công bố xếp hạng của WTO) đã tăng lên rõ rệt. Năm 2006, Việt Nam xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu và xếp thứ 44 về nhập khẩu. Đến năm 2018, Việt Nam đã có bước phát triển ấn tượng xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu.

Với kết quả trên, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan.

Trong gần 20 năm (giai đoạn 2000-2019) tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt 3.995 tỷ USD. Trong đó, chỉ tính riêng 5 năm từ năm 2015 đến năm 2019, xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 2.106 tỷ USD đồng thời cao hơn xuất nhập khẩu của cả 15 năm về trước cộng lại (giai đoạn 2000 -2014).

Đến nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu). Từ năm 2011 trở về trước, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam luôn trong trạng thái thâm hụt, kéo dài liên tục, con số nhập siêu lên đến hàng tỷ USD, đỉnh điểm lên tới 18,02 tỷ USD trong năm 2008.

Nhưng từ năm 2012 đến nay, cán cân thương mại đổi chiều, xuất siêu liên tục, trừ năm 2015, có mức thâm hụt trị giá 3,55 tỷ USD. Kết thúc năm 2018, xuất siêu hàng hóa của Việt Nam đã đạt 6,83 tỷ USD. Trong 11 tháng năm 2019, với sự gia tăng quy mô xuất khẩu cao hơn nhập khẩu, thặng dư cán cân thương mại đã lên tới 10,94 tỷ USD.

Trong 11 tháng năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) đạt 297,87 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vẫn tăng về quy mô trị giá nhưng tốc độ tăng xuất nhập khẩu của nhóm doanh nghiệp này thấp hơn. Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu của khối các doanh nghiệp trong nước 11 tháng năm 2019 đạt 15,1%, duy trì 3 năm liên tiếp đạt tốc độ tăng trên 10%.

Trước đây, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản là 3 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 2013 với tốc độ tăng vượt trội, Hàn Quốc đã chính thức vượt qua Nhật Bản, vươn lên trở thành đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 3 của Việt Nam.

Cụ thể, trong 11 tháng năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 105,8 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018; với Hoa Kỳ đạt 68,7 tỷ USD, tăng 24,5%; với Hàn Quốc đạt 61,4 tỷ USD, tăng 1,8%; với Nhật Bản đạt 36,3%, tăng 4,6%. Trong 11 tháng năm 2019, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh, nhưng xuất sang thị trường Trung Quốc và ASEAN tăng chậm lại, xuất sang Liên minh châu Âu giảm nhẹ.

Để đạt được những kết quả nêu trên, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ việc triển khai các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... Qua đó, góp phần đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp.

Trong đó, quản lý nhà nước về lĩnh vực hải quan thời gian qua đã có nhiều nỗ lực và kết quả trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về hải quan, cải cách thể chế, hiện đại hóa hải quan. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính trong 11 tháng năm 2019 đã có 12,1 triệu tờ khai làm thủ tục hải quan, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó có 6,1 triệu tờ khai xuất khẩu, tăng 11,6% và gần 6 triệu tờ khai nhập khẩu, tăng 5,1%. Số lượng tờ khai làm thủ tục hải quan điện tử chiếm 99,94% tổng số tờ khai làm thủ tục hải quan.

Số lượng doanh nghiệp khai theo phương thức điện tử chiếm 99,98%. Trị giá khai theo thủ tục hải quan điện tử chiếm 99,34%. Số thu ngân sách hải quan theo phương thức điện tử chiếm 96% tổng số thu ngân sách hải quan. Số thu theo phương thức thanh toán 24/7 chiếm 8,3% tổng số thu ngân sách hải quan trong năm 2019.

Theo Tổng cục Hai quan, tính đến ngày 10/12/2019, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 188 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 2,7 triệu hồ sơ của khoảng 34 nghìn doanh nghiệp. Về triển khai Cơ chế một cửa ASEAN, cùng thời gian này, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là 144,7 nghìn; trong đó, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước thành viên ASEAN là 188,7 nghìn. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (ACDD).

Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa; trong đó chú trọng đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN với mục tiêu tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

Bên canh đó, chú trọng đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa; đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, xử lý nghiêm các vi phạm về sở hữu trí tuệ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch./.

Xem thêm:

>>Thủ tướng dự Lễ ghi nhận xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt mốc 500 tỷ USD

>>Xúc tiến thương mại phát triển thị trường trọng điểm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục