Sau những bất đồng, OPEC+ hoãn họp và chưa có ngày dự kiến họp lại

09:14' - 06/07/2021
BNEWS Hội nghị cấp bộ trưởng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, còn gọi là OPEC+, theo kế hoạch diễn ra ngày 5/7, đã bị hoãn và chưa có ngày dự kiến nối lại. 

Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã phản đối gay gắt một thỏa thuận tăng dần sản lượng vào tháng Tám tới được OPEC đề xuất, từ đó gây ra sự bế tắc có thể cản trở những nỗ lực nhằm hạn chế đà tăng của giá dầu trước sự phục hồi còn yếu ớt của nền kinh tế thế giới sau đại dịch. 

Kể từ tháng Năm, OPEC+ đã nâng dần sản lượng dầu, sau khi cắt giảm trong hơn một năm qua do dịch COVID-19 làm giảm nhu cầu. Đề xuất hiện tại là tăng dần sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng Tám đến tháng 12.

Nhưng UAE chỉ ủng hộ gia tăng sản lượng trong ngắn hạn và yêu cầu có những điều khoản tốt hơn cho việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sang năm 2022.

Trung tâm tranh cãi giữa Saudi Arabia và UAE là vấn đề mức sản lượng “cơ sở” mà các nước thành viên OPEC+ dựa vào đó để cắt giảm hay gia tăng sản lượng.

Bộ trưởng Năng lượng UAE Suhail Mohamed Al-Mazrouei cho rằng mức cơ sở hiện tại của nước này, 3,17 triệu thùng/ngày, là quá thấp và cần phải tăng lên 3,8 triệu thùng/ngày nếu gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Đường cơ sở cao hơn đồng nghĩa mức cắt giảm sản lượng thực tế thấp hơn.

UAE cho biết nước này không phải là nước duy nhất tìm kiếm một mức sản lượng cơ sở cao hơn, khi trước đó đã có nhiều nước khác, như Azerbaijan, Kazakhstan, Kuwait và Nigeria, từng yêu cầu và được cấp một mức cơ sở mới kể từ khi thỏa thuận cắt giảm sản lượng được nhất trí lần đầu vào năm ngoái.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman, phản đối yêu cầu nói trên và từ chối nhượng bộ với Abu Dhabi. Ông nhấn mạnh việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2022 là cần thiết để bình ổn thị trường dầu.

Việc không thể đi đến một thỏa thuận có thể khiến giá dầu tăng mạnh, từ đó đe dọa sự phục hồi vốn đã mỏng manh của nền kinh tế toàn cầu từ đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, sự bế tắc này còn có nguy cơ phá vỡ sự liên minh của OPEC+, điều có thể gây ra một "cuộc chiến" về giá làm tổn hại đến nền kinh tế thế giới.

Năm ngoái, một bất đồng tương tự về hạn ngạch dầu giữa Saudi Arabia và Nga đã dẫn đến một "cuộc chiến" gay gắt làm trầm trọng thêm sự sụt giảm của giá dầu vốn đã chịu áp lực từ đại dịch.

Trước khi cuộc họp nói trên bị hoãn vô thời hạn, chuyên gia Helima Croft của công ty dịch vụ tài chính RBC Capital Markets, có trụ sở tại Toronto Canada, nhận định nguy cơ OPEC+ không đạt được thỏa thuận, cũng như UAE rời khỏi OPEC, thực sự đã tăng lên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục