Saudi Arabia và Nga nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô 10 triệu thùng/ngày

11:00' - 10/04/2020
BNEWS OPEC cùng các nước sản xuất dầu hàng đầu khác, còn gọi là OPEC+, Saudi Arabia và Nga đã nhất trí sơ bộ về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô tới 10 triệu thùng/ngày trong 2 tháng, từ ngày 1/5 tới.

Các nước sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới, bao gồm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga, đang cố gắng đạt một thỏa thuận toàn cầu về giảm sản lượng nhằm hỗ trợ giá dầu đã sụt giảm mạnh do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm giảm nhu cầu dầu. 

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, truyền thông khu vực đưa tin trong cuộc họp trực tuyến ngày 9/4 của OPEC cùng các nước sản xuất dầu hàng đầu khác, còn gọi là OPEC+, Saudi Arabia và Nga đã nhất trí sơ bộ về kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu thô tới 10 triệu thùng/ngày trong 2 tháng, từ ngày 1/5 tới. 

Cụ thể, Saudi Arabia sẽ giảm 3,3 triệu thùng/ngày, Nga giảm 2 triệu thùng/ngày, các thành viên khác trong OPEC+ giảm 5 triệu thùng/ngày. OPEC kêu gọi Mỹ, Canada và các nước khác cắt giảm 5 triệu thùng/ngày.

Chi tiết thỏa thuận sơ bộ trên có thể được công bố trong cuộc họp các Bộ trưởng Năng lượng của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Saudi Arabia giữ chức Chủ tịch, được tổ chức trong ngày 10/4.

Thỏa thuận trên được đánh giá là "cài đặt" lại liên minh OPEC+, trong bối cảnh Saudi Arabia và Nga bất đồng về cắt giảm sản lượng trong cuộc họp vào ngày 6/3 vừa qua, dẫn đến cuộc chiến giá dầu.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư quốc gia Nga, thành viên nhóm đàm phán của Nga, ông Kirill Dmitriev cho biết: "Đây là thời điểm quan trọng và lịch sử, trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra, chúng ta đã đồng ý gạt bỏ bất đồng và thúc đẩy thỏa thuận bao gồm các thành viên OPEC và các nước sản xuất dầu thô khác".

Trong một phản ứng của thị trường, giá dầu ngày 10/4 đã giảm mạnh trong khi chờ đợi một thỏa thuận chính thức của các nước OPEC+. Giá dầu thô ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) giảm 9,3%, xuống còn 22,76 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giảm 4,1%, xuống còn 31,48 USD/thùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục