SCB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan bất chấp nỗi lo lạm phát

18:59' - 14/06/2022
BNEWS Bất chấp những mối lo lạm phát, Ngân hàng Thương mại Siam (SCB) ngày 14/6 nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm nay từ 2,7% lên 2,9% nhờ sự hồi phục của các ngành du lịch và dịch vụ.

Ông Somprawin Manprasert, Nhà kinh tế trưởng của Trung tâm Thông tin Kinh tế của SCB, cho biết Thái Lan nằm trong số nhiều quốc gia đã mở cửa trở lại cho khách du lịch nước ngoài. Ông Somprawin dự kiến sẽ có 7,4 triệu khách du lịch nước ngoài đến Thái Lan trong năm 2022.

 

Trong khi đó, ông Somprawin nhận định sự phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ sẽ tăng tốc sau khi Chính phủ nới lỏng những hạn chế để phòng chống COVID-19.

Tuy nhiên, SCB dự báo lạm phát sẽ đạt 5,9% trong năm 2022, mức cao nhất trong vòng 24 năm. Ông Somprawin hối thúc Chính phủ tung ra những biện pháp mới nhằm kiểm soát giá năng lượng và giảm các chi phí sinh hoạt.

Về chính sách tiền tệ, ông Somprawin dự báo Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) sẽ nâng lãi suất cơ bản lên 0,75% trong quý III/2022 để đối phó với lạm phát gia tăng. Ông Somprawin cho rằng đồng baht của Thái Lan sẽ mạnh lên một chút vào cuối năm nay do sự phục hồi kinh tế và sự cải thiện tài khoản vãng lai của đất nước.

Các khu vực du lịch và dịch vụ được cho là động lực kinh tế chính của sự phục hồi kinh tế trong giai đoạn tiếp theo khi Thái Lan mở cửa trở lại và nới lỏng những hạn chế để phòng chống COVID-19.

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế sẽ bị cản trở bởi tác động của lạm phát đối với chi tiêu trong nước và những hạn chế trong các biện pháp kích thích kinh tế của Chính phủ. Ông Somprawin nhận xét GDP của Thái Lan sẽ không đạt mức trước đại dịch cho đến quý III/2023.

Theo ông Somprawin, nền kinh tế Thái Lan sẽ bị áp lực bởi 5 yếu tố là giá năng lượng và sản phẩm tiêu dùng tăng do xung đột Nga-Ukraine; sự gián đoạn nguồn cung trong các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu do chính sách zero-Covid của Trung Quốc; chi phí sản xuất tăng do gián đoạn chuỗi cung ứng vì những yếu tố địa chính trị; tác động của chi phí sinh hoạt tăng lên nền kinh tế và khả năng trả nợ; và việc giảm các biện pháp Chính phủ để kích thích nền kinh tế và kiểm soát chi phí sinh hoạt.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Arkhom Termpittayapaisith hôm 13/6 cho biết Thái Lan chưa có nguy cơ bị “lạm phát đình trệ” (stagflation) vì nền kinh tế và việc làm đang dần phục hồi.

Lạm phát đình trệ xảy ra khi lạm phát đi kèm với tăng trưởng chậm và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Theo ông Arkhom, lạm phát hiện đang là một hiện tượng trên toàn thế giới, nhưng tăng trưởng GDP là một yếu tố quan trọng để xác định liệu một quốc gia có đang bị lạm phát đình trệ hay không. Chính phủ Thái Lan dự báo GDP của nước này sẽ tăng 2,5-3,5% trong năm nay, tăng tốc từ mức 1,1% của năm 2021.

Bộ trưởng Arkhom nhận xét nền kinh tế Thái Lan đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng COVID-19, đồng thời cho biết thêm rằng Thái Lan đang có hành động để đảm bảo GDP không bị sụt giảm một lần nữa. Ngoài ra, việc làm cũng đang phục hồi, nhưng mức lương phụ thuộc vào các điều kiện kinh tế. Nếu các mức lương đầy đủ được khôi phục, nhưng giá sản phẩm tăng, sức mua của người dân vẫn sẽ giảm.

Văn phòng Chính sách và Chiến lược Thương mại (TPSO) hôm 6/6 cho biết lạm phát toàn phần của Thái Lan đã tăng 7,1% trong tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, tăng tốc từ mức 4,7% trong tháng 4/2022.

Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 13 năm qua, chủ yếu là do giá năng lượng và thực phẩm tăng. Trong 5 tháng đầu năm 2022, lạm phát toàn phần ở Thái Lan tăng 5,19% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó lạm phát cơ bản tăng 1,72%.

Trong cuộc họp mới đây, MPC cũng đã điều chỉnh tăng đánh giá về tỷ lệ lạm phát toàn phần năm 2022 từ 4,9% lên 6,2% và dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh trong quý III/2022. Ủy ban này dự kiến lạm phát toàn phần sẽ giảm xuống 2,5% vào năm 2023./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục