Sẽ có nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

10:31' - 09/08/2016
BNEWS Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Quốc hội về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Sẽ có nghị quyết của Quốc hội về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Nguyên-TTXVN
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Quốc hội về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; trong đó có nội dung xóa, khoanh nợ gần 15.000 tỷ đồng tiền nợ thuế. Nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ đề xuất này và cho rằng, đây là một giải pháp nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay. 

Theo ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, để hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh thì việc xóa nợ thuế, tiền chậm nộp thuế là rất cần thiết. Vì có những khoản nợ thuế mà doanh nghiệp đã ngưng hoạt động 10-15 năm thì không thể thu được thuế. Trong khi đó doanh nghiệp không thể làm thủ tục phá sản nên số nợ thuế treo và tiền phạt chậm nộp vẫn tăng dần lên trên hệ thống sổ sách của ngành thuế. 

Ông Đinh Văn Nhã cũng cho biết, đề xuất xóa nợ cho một số doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính có ý kiến từ năm 2014 và 2015 có đề xuất lên Quốc hội xong chưa được thông qua vì tiêu chí xóa nợ chưa rõ ràng. 

Với đề nghị xóa nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt những doanh nghiệp mất tích hàng chục năm nay, ông Nguyễn Xuân Thắng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, có những doanh nghiệp số tiền phạt chậm nộp thuế lớn gấp 5-7 lần số tiền nợ thuế. Bởi doanh nghiệp đã “mất tích” cả chục năm nay, tiền phạt tiếp tục bị cộng dồn. Do đó, để minh bạch hệ thống thuế thì phải xóa tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp của người nộp thuế bỏ trốn, mất tích, ngưng hoạt động. 

Với đề xuất xóa tiền phạt chậm nộp cho doanh nghiệp khó khăn do nhà nước nợ tiền xây dựng cơ bản, ông Đinh Văn Nhã cho rằng rất hợp tình, hợp lý. Bởi có hàng chục nghìn doanh nghiệp khó khăn, sống lay lắt do chưa được địa phương, bộ ngành thanh toán tiền nợ đọng xây dựng cơ bản. 

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số tiền nợ đọng xây dựng trên cả nước lên đến vài chục nghìn tỷ đồng. Nhà nước nợ doanh nghiệp dù công trình đưa vào khai thác đã vài ba năm khiến doanh nghiệp này nợ doanh nghiệp kia. Trong khi doanh nghiệp nợ nhà nước thì doanh nghiệp bị phạt chậm nộp, bị cưỡng chế, còn nhà nước nợ doanh nghiệp thì lại không có chế tài. Như vậy dẫn tới không công bằng với doanh nghiệp 

Cho rằng việc xóa nợ, khoanh nợ thuế cho doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh là rất cần thiết nhưng ông Đinh Văn Nhã cũng lưu ý cần phải quy trách nhiệm cho ngành thuế để chính sách triển khai hỗ trợ đúng đối tượng. “Quốc hội sẽ xem xét quyết định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ. Nhưng Chính phủ mà trực tiếp là ngành tài chính sẽ chịu trách nhiệm chính về từng đối tượng được xóa nợ, khoanh nợ thuế có đúng và công tâm hay không,” ông Nhã nhấn mạnh. 

Đồng tình với việc quy trách nhiệm cho cán bộ thuế về việc xóa, khoanh nợ thuế cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cán bộ thuế là người trực tiếp theo dõi hoạt động của doanh nghiệp. Nên việc doanh nghiệp khó khăn do nguyên nhân khách quan hay chủ quan cán bộ thuế đều nắm được. Nếu xóa và khoanh nợ thuế sai thì cán bộ thuế, ngành thuế chịu trách nhiệm. 

Ông Nguyễn Xuân Thắng lưu ý tiêu chí xóa, khoanh nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải rõ ràng, chặt chẽ để tránh việc cán bộ thuế lợi dụng việc xóa nợ, khoanh nợ thuế, tiền chậm nộp thuế cho doanh nghiệp này mà lại không thực hiện cho doanh nghiệp kia gây mất công bằng trong chính sách. 

Theo tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết dự kiến sẽ xóa tiền chậm nộp thuế cho doanh nghiệp chưa được nhà nước thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Theo đó số tiền chậm nộp đề nghị xóa tính đến hết năm 2015 là 542,5 tỷ đồng. 

Bộ Tài chính cũng đề xuất xóa nợ tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trước ngày 1/1/2014 là hơn 7.420 tỷ đồng. Trong số đó, tiền thuế của doanh nghiệp trên 6.430 tỷ đồng và của hộ, cá nhân kinh doanh là 989 tỷ đồng. 

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị khoanh số tiền nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt do người nộp thuế đã giải thể, phá sản, bỏ kinh doanh trong 2 năm 2014-2015 là khoảng 6.730 tỷ đồng; trong đó, của doanh nghiệp, tổ chức là 5.716 tỷ đồng và hộ, cá nhân đã bỏ kinh doanh là khoảng 1.015 tỷ đồng. 

Bộ Tài chính cho biết, trong những năm gần đây cả nước có khoảng 500.000 doanh nghiệp. Hàng năm, có khoảng 10% doanh nghiệp giải thể, phá sản, mất khả năng thanh toán nhưng không thực hiện thủ tục phá sản. Tuy nhiên, để đảm bảo hạn chế thấp nhất việc một số trường hợp chủ doanh nghiệp, người đại diện pháp luật giải thể doanh nghiệp này lại lập doanh nghiệp khác nhằm trốn thuế, thì sau 2 năm, cơ quan quản lý mới cấp mã số kinh doanh cho những cá nhân này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục