Sẽ hoàn thiện khung khổ pháp lý để xử lý các loại tài sản, tiền mã hóa

18:05' - 06/04/2025
BNEWS Bộ Tài chính phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu thực trạng, kinh nghiệm quốc tế trong quản lý để hoàn thiện khung khổ pháp lý xử lý các loại tài sản, tiền mã hóa.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra chiều 6/4, về triển khai thí điểm sàn giao dịch tiền số trong tháng 3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nhấn mạnh: Về vấn đề tiền số, Bộ Tài chính được giao trách nhiệm hoàn thiện khung khổ pháp lý để xử lý các loại tài sản mã hóa, tiền mã hóa…

 

Theo đó, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ liên quan nghiên cứu thực trạng, kinh nghiệm quốc tế trong quản lý. Đồng thời, kiến nghị với Chính phủ thừa nhận sự tồn tại, tiềm năng của tài sản số.

Ngay trong tháng 3/2025, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý quản lý tài sản mã hóa. Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành triển khai thực hiện việc này với quan điểm, nguyên tắc là triển khai thận trọng, có lộ trình, phù hợp thực tiễn, bảo đảm an toàn, minh bạch, hiệu quả; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia thị trường mã hóa.

Việc triển khai này sẽ thực hiện thí điểm trên thị trường giao dịch và phát hành tài sản mã hóa, hứa hẹn sẽ mở ra một kênh huy động vốn mới cho doanh nghiệp bên cạnh tài sản tài chính truyền thống. Đặc biệt, việc triển khai thí điểm thị trường cần tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của các quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia trên thị trường tài sản mã hóa là công dân.

Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản như dự thảo nghị quyết của Chính phủ để gửi lấy ý kiến các bộ ngành trong 2 văn bản gần đây (ngày 27, 29/3). Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp, tiếp thu, giải trình các ý kiến để hoàn thiện nghị quyết trước khi báo cáo Chính phủ.

Bàn về tình hình tăng trưởng kinh tế quý đầu năm 2025, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho hay, tăng trưởng quý I đạt 6,93%, là mức tăng trưởng quý I cao nhất trong giai đoạn 2020-2025 và khá đồng đều trong cả 3 khu vực: nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ.

Trong quý I, Việt Nam tiếp tục duy trì được tăng trưởng của công nghiệp chế biến chế tạo và khá sát với kịch bản đã đề ra. Mức 6,93% này cao hơn mức Hội nghị Trung ương 10 quyết định ban đầu và thấp hơn so với kịch bản sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 123-KL/TW (mục tiêu cả nước đạt tăng trưởng năm 2025 trên 8%). Từ khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 123-KL/TW đến nay, chúng ta không có nhiều thời gian và ngay trong quý I có rất nhiều ngày nghỉ, nhưng Việt Nam đã đạt được kết quả 6,93%, gần sát với kịch bản tăng trưởng.

“Đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, ghi nhận sự đồng hành của các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị”, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nhấn mạnh.

Ngay khi bước vào năm 2025, Việt Nam đã nhận định đây là năm rất khó khăn, nhiều vấn đề khó lường, khó dự báo. Tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quyết tâm, nỗ lực để đạt mục tiêu tăng trưởng và cho dù tiếp tục gặp khó khăn ngay từ ngày đầu tháng 4, nhưng tại cuộc họp hôm nay, Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục yêu cầu và quyết tâm không thay đổi mục tiêu tăng trưởng của năm 2025, cố gắng phấn đấu đạt từ 8% trở lên. Đó là mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản tăng trưởng tiếp theo cho từng ngành, từng lĩnh vực, phân bổ cho các địa phương và cho các khu vực. Tính chung, Bộ Tài chính xây dựng quý II đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 8,3%, lần lượt quý III, quý IV là 8,3% và 8,4%. Kịch bản này tăng cao hơn kịch bản ban đầu sau khi có Kết luận 123-KL/TW khoảng 0,27%. Kịch bản này rất thách thức nhưng có lý do để Việt Nam có thể đạt được.

Đó là công nghiệp chế biến chế tạo. Ngay từ quý I, công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 9,28%. Với kịch bản quý II, công nghiệp chế biến chế tạo tăng khoảng 10,1%. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có nhiều giải pháp để khắc phục các chỉ tiêu đóng góp vào tăng trưởng chưa đạt yêu cầu như công nghiệp khai khoáng, sản xuất điện, khí đốt…

Cùng đó, Việt Nam thực hiện các giải pháp để thúc đẩy dư địa hiện nay, đóng góp cho tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công, tập trung thêm nữa vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Đây là khu vực trong quý I đã mang lại đóng góp nhiều cho tăng trưởng. Trong quý I, đã đón hơn 6 triệu lượt khách. Đây là dư địa, khu vực tiềm năng góp phần tăng trưởng.

Để khẳng định lại kết quả quý I tuy chưa đạt mục tiêu kịch bản cao nhưng vẫn có cơ sở để tiếp tục phấn đấu và Bộ Tài chính kỳ vọng, mong muốn là hơn 8% nên lấy mốc 8% làm mục tiêu xây dựng các kịch bản tương tự, coi đấy là kịch bản cơ sở. Chắc chắn Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ cố gắng phấn đấu đạt cao hơn mức đề ra.

Liên quan đến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài cũng như khả năng thu hút đầu tư của cả năm 2025, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nêu rõ sẽ tập trung vào 2 vấn đề. Cụ thể, thu hút đầu tư nước ngoài trong quý I của Việt Nam rất khá. Vốn đầu tư mới và điều chỉnh vốn, góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong quý I đã đạt gần 1 tỷ USD, tăng xấp xỉ 35% so với cùng kỳ năm 2024.

Đặc biệt, vốn thực hiện đã đạt 5,16 tỷ USD, gấp 5,1 lần cùng kỳ năm 2024, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thực hiện riêng để đầu tư khoảng 4,96 tỷ USD; tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu tập trung công nghiệp chế biến chế tạo (chiếm khoảng gần 62% tổng vốn đăng ký và tăng 26% so với cùng kỳ năm 2024).

Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, đây là kết quả của quý I, còn cả năm Bộ Tài chính đánh giá vào các yếu tố rất lớn. Đầu tiên, các tổ chức quốc tế và các định chế ngân hàng, tài chính đều đánh giá khả năng gia tăng xác suất suy giảm kinh tế toàn cầu và có thể dẫn đến suy thoái kinh tế. Theo đó, nhiều tổ chức đều hạ mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu, điều này chắc chắn có ảnh hưởng đến Việt Nam.

Ngoài ra, chính sách thuế của Hoa Kỳ áp dụng không chỉ cho Việt Nam mà cho tất cả các quốc gia. Đây cũng là yếu tổ ảnh hưởng lớn nhất đến tâm lý, môi trường kinh doanh cũng như triển vọng đầu tư kinh doanh. Bên cạnh đó, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Nhưng Bộ Tài chính tin tưởng, với nỗ lực của Chính phủ, chắc chắn sẽ lấy được niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Mặc dù khó khăn, nhưng Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp; trong đó, có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư nước ngoài. Mục tiêu năm 2025 vẫn là tăng 35- 40 tỷ USD, vốn thực hiện vẫn đặt mục tiêu 27-28 tỷ USD.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục