Sẽ triển khai cảnh báo nghi lừa đảo khi chuyển khoản

17:22' - 26/05/2025
BNEWS Khi chuyển tiền qua tài khoản, ứng dụng ngân hàng sẽ xuất hiện cảnh báo nếu tài khoản nhận có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo, gian lận để người dùng quyết định có tiếp tục giao dịch hay không.
Trong thời gian tới, khi chuyển tiền qua tài khoản, ứng dụng ngân hàng sẽ xuất hiện cảnh báo nếu tài khoản người nhận có dấu hiệu nghi ngờ lừa đảo, gian lận. Đồng thời, cũng sẽ đề xuất cấm sử dụng tài khoản bí danh. Đây là một số thông tin chính được ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước, chia sẻ tại buổi họp báo công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành ngân hàng năm 2025 diễn ra ngày 26/5.

Cảnh báo gian lận ngay trên ứng dụng ngân hàng

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết trong bối cảnh hoạt động lừa đảo tài chính ngày càng gia tăng về quy mô và mức độ tinh vi, ngành ngân hàng đã đẩy mạnh các biện pháp tăng cường an toàn cho người sử dụng dịch vụ ngân hàng. Một trong những giải pháp đang được thí điểm và sẽ mở rộng thời gian tới là xây dựng kho dữ liệu về tài khoản nghi ngờ gian lận.

Thực tế, từ ngày 1/4/2025, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã thực hiện thí điểm tính năng cảnh báo về tình trạng tài khoản người nhận. Theo đó, khi thực hiện chuyển tiền qua ứng dụng ngân hàng, khách hàng sẽ nhận được thông báo nếu tài khoản người nhận nằm trong diện nghi ngờ gian lận. Việc tiếp tục giao dịch hay không sẽ do khách hàng tự quyết định và hoàn toàn chịu trách nhiệm. Sau gần hai tháng triển khai, đã có hơn 100 tỷ đồng của khách hàng được giữ lại nhờ nhận cảnh báo và dừng giao dịch kịp thời.

Dự kiến, Vietcombank sẽ là ngân hàng tiếp theo triển khai tính năng này từ ngày 30/6 tới đây, sau đó lần lượt là Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) từ ngày 3/7, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) từ 14/7 và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) từ 24/7. Sau khi hoàn thiện triển khai tại các ngân hàng lớn và đánh giá hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước dự kiến áp dụng trên toàn hệ thống trong năm nay.

Ông Phạm Anh Tuấn cũng lưu ý các ngân hàng cần thường xuyên cập nhật tình trạng tài khoản của khách hàng, đối với các tài khoản nghi ngờ gian lận nhưng sau đó được xác thực an toàn thì cũng cần đưa ra khỏi diện nghi ngờ và giao dịch bình thường.

Ngoài việc triển khai cảnh báo, ngành ngân hàng cũng đang phát triển kho dữ liệu về các tài khoản có dấu hiệu gian lận, kết hợp với các biện pháp kiểm tra, đối chiếu dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện cả nước có khoảng 200 triệu tài khoản ngân hàng, nhưng mới chỉ khoảng 113 triệu tài khoản có đủ thông tin xác thực. Điều này có nghĩa là những tài khoản còn lại có thể là tài khoản "chết", tài khoản "ngủ đông", tài khoản lừa đảo, gian lận đã được mở trong thời gian qua.

Mặc dù các biện pháp phòng ngừa đang được tăng cường, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận đây không phải là giải pháp tuyệt đối, không đảm bảo 100% việc phòng chống tội phạm. Một số tổ chức tội phạm vẫn lợi dụng việc cho thuê tài khoản để thực hiện hành vi lừa đảo. Vẫn tồn tại "người nộm" - những người cho thuê tài khoản - được các những tổ chức tội phạm nuôi và chăm sóc rất chu đáo để mỗi khi giao dịch lừa đảo thì đưa mặt vào để thực hiện chuyển tiền.

"Trước tình trạng này, Bộ Công an đã đề xuất sửa đổi Bộ luật Hình sự để có cơ sở xử lý hình sự những hành vi tiếp tay, tiếp sức cho tội phạm lừa đảo tài chính", ông Tuấn chia sẻ.

Siết chặt điều kiện mở và sử dụng tài khoản ngân hàng

Song song với các biện pháp kỹ thuật, Ngân hàng Nhà nước cũng đang xây dựng dự thảo sửa đổi Thông tư 17/2024 quy định về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức, cá nhân tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Dự thảo này dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây với một số nội dung mới nhằm siết chặt quản lý tài khoản ngân hàng.

Một điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là quy định cấm sử dụng tài khoản alias (tài khoản bí danh). Theo ông Phạm Anh Tuấn, việc sử dụng tài khoản thay thế số bằng nickname dễ gây nhầm lẫn, thậm chí dẫn đến các vụ chuyển nhầm, bị lừa đảo. Dự thảo yêu cầu tài khoản nhận tiền bắt buộc phải hiển thị bằng số tài khoản cụ thể, không được sử dụng bí danh.

Dự thảo cũng tăng cường kiểm soát với tài khoản của tổ chức. Theo đó, tổ chức muốn mở tài khoản phải đến trực tiếp tại quầy giao dịch của tổ chức tín dụng, không chấp nhận mở tài khoản qua thư hoặc qua ủy quyền. Ngoài ra, sẽ bổ sung quy định yêu cầu thu thập thông tin sinh trắc học của người đại diện pháp luật khi mở tài khoản.

Đặc biệt, dự thảo bổ sung quy định mới áp dụng cho các tổ chức thành lập trong vòng 6–9 tháng (khoảng thời gian hoạt động thông thường của các tổ chức lừa đảo, gian lận tài chính). Theo đó, khi thực hiện chuyển tiền, người đại diện pháp luật của tổ chức phải xác thực sinh trắc học tương tự như tài khoản cá nhân. Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng với các tổ chức có đặc điểm hoạt động tương tự hộ kinh doanh cá thể. Các doanh nghiệp lớn, công ty niêm yết, tập đoàn Nhà nước… sẽ được miễn trừ vì đã có thông tin xác thực đầy đủ.

Để đảm bảo xác thực, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các đơn vị sử dụng ứng dụng VNeID trong việc đối chiếu và xác minh thông tin khách hàng, thay thế các phương thức xác thực qua điện thoại hay NFC truyền thống. Đây được xem là một giải pháp hiệu quả để xử lý các trường hợp mạo danh, thông tin không chính xác khi mở tài khoản ngân hàng.

Dự thảo Thông tư sửa đổi đang trong quá trình hoàn thiện và lấy ý kiến rộng rãi từ các tổ chức tín dụng cũng như người dân. Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp thu kỹ lưỡng các ý kiến góp ý nhằm ban hành quy định phù hợp, không gây khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động hợp pháp, lành mạnh.

“Mục tiêu của việc sửa đổi là đảm bảo tài khoản chính chủ, nâng cao tính minh bạch và an toàn cho hệ thống tài chính. Việc quy định chặt chẽ hơn không nhằm gây phiền hà, mà hướng đến ngăn chặn các hành vi lợi dụng tài khoản để thực hiện hành vi lừa đảo”, ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục