Siết chặt quản lý thuế thương mại điện tử tạo môi trường bình đẳng

09:28' - 07/09/2024
BNEWS Ngành thuế phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động thương mại điện tử theo 2 nhóm chính: cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong trong nước và cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới.

Chống thất thu thuế nói chung, thất thu thuế đối với với hoạt động thương mại điện tử nói riêng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan quản lý thuế, nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng.

Ông Mai Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thời gian qua ngành thuế đã áp dụng các biện pháp quản lý hoạt động thương mại điện tử theo 8 nhóm nền tảng bao gồm: Sàn giao dịch thương mại điện tử; Website/ứng dụng thương mại điện tử; mạng xã hội; giao thông, vận tải, giao nhận; đại lý; thuê bao; quảng cáo; kho ứng dụng.

 
Ngoài ra ngành thuế cũng phân loại người nộp thuế tham gia hoạt động thương mại điện tử theo 2 nhóm chính. Thứ nhất là cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong trong nước Thứ hai là cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới.

Theo các chuyên gia kinh tế, vài năm trước đây, người bán hàng online thường chưa có khái niệm đóng thuế, nhưng đến thời điểm hiện tại mọi việc đã dần có sự thay đổi. Người bán hàng online, live đã chủ động hơn trong việc kê khai và nộp thuế.

Là doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng điện tử tại thành phố Lào Cai, trước làn sóng kinh doanh thương mại điện tử không ngừng nở rộ, Siêu thị điện máy Cao Trúc cũng tìm hiểu và đưa các mặt hàng lên trang website của chính mình để bán online và liên kết với các sàn thương mại điện tử nổi tiếng khác.

Ông Cao Thành Đạt, Quản lý Siêu thị điện máy Cao Trúc cho biết, kể từ khi chính thức lên sàn 6/2023 doanh số bình quân của siêu thị tăng lên 35-40%, cơ hội tiếp xúc của khách hàng với hàng hóa rất nhiều. Quan trọng nhất là việc quản lý từ khâu nhập hàng và vận chuyển đến khách hàng đều đầy đủ chứng từ trong thời gian rất ngắn phục vụ trong ngày.

Theo ông Cao Thành Đạt, dưới sự tư vấn và hỗ trợ của cơ quan thuế, trang web bán hàng của doanh nghiệp đã được kết nối hóa đơn điện tử với phần mềm quản lý bán hàng thông minh hiện đại nên mọi thông tin về đầu vào, đầu ra của hàng hóa cũng như doanh số bán hàng đều được thống kê đầy đủ chính xác.

“Trên cơ sở đó doanh nghiệp đã thực hiện kê khai và đóng thuế đầy đủ cho ngân sách nhà nước”, ông Cao Thành Đạt nói

Trong khi đó, chị Trương Hồng Hạnh, kinh doanh online tại Hà Nội cho biết, trước đây cũng chỉ biết là phải đóng thuế, nhưng không biết cách thức đóng thuế như thế nào. Sau khi được cán bộ thuế liên hệ, hướng dẫn kê khai đóng thuế thì hiện chị đã chủ động trong việc kê khai đóng thuế khi kinh doanh online.

Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho biết, chính sách thuế được áp dụng chung đối với tất cả hoạt động sản xuất, kinh doanh, bất cứ ai tham gia kinh doanh đều phải kê khai thuế, nộp thuế, không phân biệt kinh doanh truyền thống hay thương mại điện tử. Theo quy định, với những trường hợp này phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến từ 5% đến 35% phụ thuộc vào thu nhập trong năm.

Với tư cách là Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc cũng khuyên các cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử “đừng có dại mà trốn thuế, bởi cơ quan thuế các địa phương rất quyết liệt trong việc quản lý thuế đối với hoạt động này”.

Điều này được thể hiện rất rõ những tháng vừa qua của năm 2024, Cục Thuế Tp. Hồ Chí Minh tiến hành rà soát 7.135 doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, thu được trên 1.298 tỷ đồng tiền thuế; truy thu, xử phạt 1.320 trường hợp với số tiền trên 72 tỷ đồng.

Cục Thuế Hà Nội đã định danh và tổng hợp được dữ liệu về hoạt động thương mại điện tử của 418 doanh nghiệp sở hữu sàn thương mại điện tử, website bán hàng trực tuyến, 670 chủ thể kinh doanh sản phẩm và nội dung số; 54 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, cá nhân bán hàng online có doanh thu lớn.

Hay tại Lào Cai, ngành thuế đã rà soát 140 hộ, doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử với doanh thu trên 347.397,55 triệu đồng.

Ngành thuế tỉnh Khánh Hòa cũng rà soát và xác định được doanh thu đối với 236 hộ, cá nhân đang quản lý có hoạt động thương mại điện tử là 204.694,2 triệu đồng với số thuế phải nộp là 5.596,3 triệu đồng.

Bà Nguyễn Kim Thái Linh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa cho biết, là một lĩnh vực mới nên Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa đã chủ động thực hiện tuyên truyền đến người nộp thuế bằng nhiều hình thức như dựng các video tuyên truyền trên mạng xã hội, postcard, thư ngỏ, tài liệu điện tử… thường xuyên hỗ trợ tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có thẩm quyền, chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan trong quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, xây dựng và làm giàu thông tin cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử để theo dõi, quản lý thu chặt chẽ.

Đối với đối tượng rà soát có hành vi không tuân thủ, không hợp tác, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bà Nguyễn Kim Thái Linh cho biết, cơ quan thuế lập danh sách, xây dựng chương trình phối hợp với các ban ngành địa phương thực hiện việc kiểm tra tại cơ sở kinh doanh, đề xuất xử lý theo pháp luật thuế và các pháp luật chuyên ngành, hoặc chuyển hồ sơ cho Cơ quan Công an nếu xác định có hành vi trốn thuế có dấu hiệu hình sự.

Còn tại một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn, ông Hoàng Quốc Đạt, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Cao Lộc cho biết ngay khi có chỉ đạo của cấp trên, chi cục đã tiến hành thực hiện rà soát trên cơ sở dữ liệu được cung cấp, bước đầu đã tiến hành phân loại, xử lý dữ liệu đối với các hộ kinh doanh thuộc địa bàn quản lý. Tuy nhiên, với số lượng người nộp thuế yêu cầu phải rà soát tương đối lớn, số lượng công chức quản lý địa bàn hạn chế. Nên chi cục thuế đang tập trung xác minh thông tin với các cá nhân có giá trị giao dịch cao trên 100 triệu đồng.

Theo Tổng cục Thuế, với sự quyết liệt, đồng bộ trong thực hiện, việc quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trong những tháng của năm 2024 đã có 383 sàn giao dịch thương mại điện tử cung cấp thông tin trên cổng thông tin thương mại điện tử, tăng 22 sàn so với số lượng sàn cung cấp thông tin lũy kế 5 quý (từ kỳ quý IV/2022 đến kỳ quý IV/2023); đã có 18/361 sàn đã thực hiện việc cung cấp lại thông tin đảm bảo đúng đủ theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết đã chỉ đạo toàn ngành chủ động rà soát xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thuế; đồng thời triển khai Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/5/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, nâng cao hiệu lực trong quản lý thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Đặc biệt, ngành thuế đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu lớn quản lý thuế đối với thương mại điện tử về các chủ thể tham gia hoạt động thương mại điện tử (chủ sở hữu sàn, đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, nhà cung cấp nước ngoài ...); bao gồm: thông tin định danh đối tượng; thông tin hoạt động kinh doanh; thông tin về dòng tiền, thu nhập; thông tin kê khai nộp thuế. Trên cơ sở khai thác cơ sở dữ liệu lớn về thương mại điện tử nêu trên, ngành thuế triển khai quản lý theo rủi ro, qua đó góp phần nâng cao hiệu lực quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục