Sóc Trăng nâng chất nguồn vốn tín dụng chính sách

15:01' - 05/06/2024
BNEWS Vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 43.000 lượt hộ, hơn 1.400 hộ nghèo và 3.500 hộ cận nghèo, 10.500 hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn.

Tại Sóc Trăng, tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ trên 35%; trong đó, có 30% là đồng bào dân tộc Khmer, nhiều nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, những năm qua, nhiều hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách để xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước nâng thu nhập.

 

Hơn 3 năm trước, gia đình anh Dương Văn Dô (xã Long Bình, thị xã Ngã Năm) được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách 70 triệu đồng để chuyển đổi hơn 4.000 m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây chanh không hạt.

Theo anh Dương Văn Dô, với số tiền 70 triệu đồng gia đình sử dụng vào việc thuê nhân công làm đất, mua cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Nguồn vốn tín dụng chính sách ưu đãi đã giúp gia đình có điều kiện chuyển đổi mô hình trồng chanh không hạt, cho thu nhập ổn định hơn so với trồng lúa.

Anh Dương Văn Dô cho biết, với 4.000 m2, gia đình trồng 300 gốc chanh không hạt với lợi nhuận thu hoạch vào mùa thuận từ 4-5 triệu đồng/tháng, còn mùa nghịch từ 20-30 triệu đồng/tháng. Hiện gia đình anh Dô đang cải tạo thêm 1ha đất lúa để chuyển sang trồng chanh không hạt nhằm tăng thêm nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Bà Trần Trường Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Long Bình (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, sau khi người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, chính quyền địa phương chỉ đạo đoàn thể xã tiến hành thực hiện khảo sát việc thực hiện phân bổ nguồn vốn trong sản xuất; đồng thời, chỉ đạo ngành chuyên môn chuyển giao kỹ thuật sản xuất nhằm phát huy tối đa nguồn vốn.

Bà Trần Trường Hoa khẳng định, nguồn vốn tín dụng đã giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo ở địa phương từng bước xây dựng nhiều mô hình hay, có nhiều quả như, trồng chanh không hạt, nuôi lươn không bùn, nuôi ba ba… UBND xã Long Bình đề xuất đến Phòng Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ngã Năm tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ có đủ điều kiện vay vốn, nhất là các hộ chí thú làm ăn từng bước nâng thu nhập, thoát nghèo bền vũng và cùng với địa phương tham gia trong việc xây dựng nông thôn mới.

Với phương châm "không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau", Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ngã Năm đã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, tạo việc làm cải thiện điều kiện sống.

Ông Nguyễn Việt Chín, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ngã Năm cho hay, đầu năm 2024, nguồn vốn tín dụng tại đơn vị đạt trên 503,5 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng trên 503 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ, với 11.875 khách hàng còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 4.623 lượt hộ, giúp hơn 100 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, hơn 2.700 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn… Qua đó góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Theo lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng, những năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng khác theo quy định. Đến nay tổng dư nợ tín dụng tại Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt trên 5.154 tỷ đồng, tăng trên 707 tỷ đồng so cùng kỳ, với trên 157.000 khách hàng còn dư nợ.

Bà Trịnh Bích Tuyền, Phó Giám đốc Phụ trách Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng thông tin, Chi nhánh luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương như đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn.

Bà Trịnh Bích Tuyền thông tin thêm, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 43.000 lượt hộ, hơn 1.400 hộ nghèo và 3.500 hộ cận nghèo, 10.500 hộ mới thoát nghèo được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (hộ nghèo toàn tỉnh còn 2,56%, hộ cần nghèo còn 6,46%); đồng thời, đẩy lùi tín dụng đen, đảm bảo an sinh xã hội.

Năm 2024, Chi nhánh ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Sóc Trăng với số tiền 125 tỷ đồng, để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng thời, đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành nguồn vốn huy động, nguồn vốn địa phương ủy thác và tăng trưởng dư nợ theo kế hoạch, đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025 đủ điều kiện có nhu cầu vay vốn đều được giải ngân; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh tối thiểu 10% và 100% các huyện, thị xã, thành phố có chất lượng tín dụng đạt từ loại khá trở lên.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục