Sóc Trăng trang bị kỹ năng sống cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số

08:15' - 27/10/2024
BNEWS Sóc Trăng, tỉnh có trên 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó người Khmer nhiều nhất cả nước (với hơn 30,1% tương đương khoảng 362 nghìn người).

Những năm qua, ngoài việc triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, giúp nhiều hộ thoát nghèo bền vững, tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng còn quan tâm đến công tác đào tạo kỹ năng sống cho trẻ em vùng dân tộc nhằm giúp các em tự tin, hòa nhập và tiếp cận các cơ hội học tập, việc làm trong tương lai.

 

Thị xã Ngã Năm là địa phương đi đầu trong thực hiện trang bị kỹ năng sống cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Sóc Trăng. Ông Huỳnh Văn Lơ, Trưởng Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm cho biết, từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội thị xã Ngã Năm phối hợp Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học, Đào tạo nghề Gia Phước Hưng (Sóc Trăng) tổ chức thực hiện 2 lớp đào tạo kỹ năng sống với 230 học viên (dân tộc thiểu số) tham gia. Lớp kỹ năng sống sẽ truyền đạt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số về lòng biết ơn, chăm sóc và bảo vệ bản thân, quản lý cảm xúc, xây dựng tác phong lịch sự, cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả và an toàn, sơ cấp cứu khi bị chấn thương,…

Cũng theo ông Huỳnh Văn Lơ, lớp kỹ năng sống giúp cho thanh niên, trẻ em vùng dân tộc thiểu số trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết, có khả năng giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, vận dụng tốt kiến thức học được vào thực tế cuộc sống thông qua các trải nghiệm đa dạng, sinh động và gắn với cuộc sống hằng ngày các em, giúp các em chuẩn bị tốt hành trang cuộc sống hiện tại và tương lai, qua đó giúp các em hoàn thiện nhân cách.

Theo Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ và Tin học, đào tạo nghề Gia Phước Hưng (Sóc Trăng) Nguyễn Hoài Nhân cho biết, lớp đào tạo kỹ năng sống do trung tâm thực hiện với những giảng viên có nhiều kinh nghiệm và chuyên môn trong lĩnh vực giáo dục kỹ năng sống trong tỉnh Sóc Trăng, các giảng viên đến từ trường Đại học Cần Thơ và các chuyên gia đến từ Thành phố Hồ Chí Minh. Những giảng viên này có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác giảng dạy trẻ em và thanh thiếu niên. Do đó, nắm rõ tâm lý và nhu cầu phát triển của từng độ tuổi, từ đó xây dựng các phương pháp giảng dạy linh hoạt và phù hợp.

Tham gia lớp kỹ năng sống lần này, các học sinh dân tộc Khmer ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) khá phấn khởi vì qua học tập các em hiểu thêm được nhiều vấn đề trong các giao tiếp, ứng xử và định hướng được tương lai. Em Trần Đông Nhi học sinh lớp 7 (Trường Trung học Cơ sở Vĩnh Quới, Ngã Năm) cho biết, khi tham gia lớp học kỹ năng sống, bản thân áp dụng được nhiều trong cuộc sống như, không còn rụt rè trước đám đông, giúp em tự tin hơn trong giao tiếp ngoài xã hội.

Sư Danh Gia Tường, học sinh lớp 7 (Trường Trung học Cơ sở Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm) cho hay, khi tham gia lớp kỹ năng sống đã giúp bản thân giao tiếp tốt hơn, kết nối với bạn bè và thầy cô, tạo ra môi trường học tập tích cực. Bên cạnh đó, bản thân còn biết cách diễn đạt suy nghĩ và cảm xúc, tự tin hơn trong học tập và hoạt động xã hội.

Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2022-2024 với tổng nguồn vốn 1.030,878 tỷ đồng. Tỉnh đã tập trung quyết liệt triển khai đồng bộ các nội dung thành phần, tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình. Đến nay, tỉnh đã triển khai hỗ trợ đất ở cho hơn 249 hộ, nhà ở cho 1.923 hộ, chuyển đổi nghề cho 4.607 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 958 hộ, triển khai trên 67 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng, xây dựng 171 công trình phục vụ phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thời gian tới, ngoài việc ngoài triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Sóc Trăng còn quan tâm đến nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao trình độ dân trí, trong đó tăng cường truyền đạt kỹ năng mềm, kỹ năng sống nhằm giúp thanh niên, trẻ em dân tộc thiểu số phát huy tối đa tài năng, học tập tốt, phát huy tính sáng tạo, nâng cao nguồn nhân lực,… hướng tới xây dựng phum sóc trên quê hương Sóc Trăng ngày càng giàu đẹp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục