Sôi động thị trường sắm lễ ông Công, ông Táo

16:24' - 01/02/2016
BNEWS Nét đẹp văn hóa tiễn ông Công ông Táo về Trời từ lâu đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Nhộn nhịp thị trường hàng hóa ngày ông Công ông Táo. Ảnh: TTXVN

Đã thành tục lệ cứ ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình đều chuẩn bị mâm cơm cúng và mua cá chép về để thả, với mong muốn tiễn ông Công ông Táo về chầu Trời tâu với Ngọc Hoàng những việc gia chủ đã làm trong năm qua và cầu chúc cho một năm mới sắp đến với những bình an và may mắn. 

Ngày 23 tháng chạp năm Ất Mùi này thị trường cá chép giống để phục vụ cho "phương tiện" tiễn ông Công ông Táo về chầu Trời rất nhộn nhịp.

Anh Nguyễn Anh Vũ, chủ cửa hàng chuyên cung cấp cá cảnh lớn của Hà Nội, ở làng Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết: Bắt đầu từ 20 tháng Chạp, các hộ kinh doanh nhập cá chép và cá vàng về bán để phục vụ cho nhu cầu của người dân vào ngày lễ ông Công, ông Táo.

Hai loại cá này chịu được nhiệt độ lạnh, không cần cắm sưởi như các loại cá cảnh nhập nên dù thời tiết Hà Nội đang rơi vào đợt rét đậm nhất giá cá vẫn ổn định, không tăng so với ngày thường. Ở đây các hộ kinh doanh chủ yếu bán cá theo kg với số lượng lớn, tính ra khoảng 5.000 – 6.000 đồng một đôi cá. Khi đưa ra các chợ buôn bán, giá mua lẻ khoảng 20.000 – 30.000 đồng, tùy theo kích cỡ và chủng loại.

Tại các chợ dân sinh tại Hà Nội, các chủ bán cá hàng ngày đều nhập cá chép, cá vàng về phục vụ nhu cầu của nhân dân trong Tết ông Công, ông Táo với đủ các chủng loại, giá cả…

Theo quan sát tại khu chợ nhỏ Vương Thừa Vũ (Khương Trung, Thanh Xuân), giống như hàng năm, các cửa hàng bày bán các loại cá chép là cá chép đỏ, vàng hoặc đen.

Chị Tâm, một tiểu thương tại chợ cho biết, do năm nay Hà Nội vừa trải qua đợt rét đậm rét hại tăng cường nên giá tăng nhẹ khoảng 35.000 – 40.000 đồng/3 con, tùy kích thước.

Tuy hiện nay các gia đình đều lựa chọn mua cá giấy nhưng chị Tâm chia sẻ lượng khách mua so với năm ngoái không thay đổi nhiều. Ngày lễ 23 năm nay rơi vào thứ hai, trùng với thời gian đi làm của các gia đình nên hầu hết mọi người đã mua cá từ thứ bảy để chủ nhật làm lễ.

Tại một số khu chợ, cửa hàng thấy vắng bóng sự hiện diện của các loại cá ngũ sắc, cá chép Nhật. Anh Bùi Quang Duy (Bạch Mai, Hà Nội) cho biết, nhiều năm gia đình anh vẫn lựa chọn mua cá sống để phóng sinh thay vì cá giấy.

Năm ngoái anh có mua một đôi cá Nhật vảy bạc trên đường Hoàng Hoa Thám với giá 100.000 đồng. Một phần do khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn và không có thời gian tham khảo giá cả nên năm nay anh lựa chọn ra chợ mua cá chép đen với giá 50.000/3 con khá to, khỏe và bơi nhanh.

Cùng với cá chép, các mặt hàng cúng lễ cho Tết ông Công, ông Táo được bày bán đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Tại phố Hàng Mã, nơi được gọi là thủ phủ chuyên bán đồ cho người cõi âm nhộn nhịp suốt cả tuần nay, đỏ rực cả tuyến phố.

Theo một số hộ kinh doanh ở đây, năm nay những mặt hàng thiết yếu cho ngày ông Công, ông Táo như giày dép, mũ, cá chép giấy, quần áo chúng sinh, vàng mã… vẫn bán chạy nhưng giá cả tăng không đáng kể. Một bộ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo loại to đẹp có giá từ 70.000 – 90.000 đồng; loại vừa, nhỏ có giá 40.000 – 60.000 đồng.

Kinh tế phát triển, “phú quí sinh lễ nghĩa”, những năm gần đây ở một số nơi, một số gia đình, không chỉ cúng lễ cá chép mà đi kèm theo là các sản phẩm vàng mã với nhà lầu, xe hơi...đủ chủng loại.

Tuy nhiên đó chỉ là một vài trường hợp nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại. Hầu hết các gia đình vẫn lựa chọn làm một lễ cúng phù hợp với hoàn cảnh, không quá cầu kỳ mà vẫn đúng theo phong tục, chứa đựng thành tâm.

Như vậy, không chỉ chứa đựng nhiều ý nghĩa về văn hóa và tâm linh, ngày lễ 23 tháng Chạp đã trở thành một nét đẹp trong cuộc sống của người Việt. Đây cũng là dịp để những người con nơi phương xa tạm gác những công việc để trở về sum vầy bên mái nhà thân thương, cùng nhau tiễn ông Táo về trời và chờ đón một năm mới bình an, ngập tràn hạnh phúc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục