Sớm kiện toàn năng lực hệ thống quản lý chuyên ngành thú y các cấp

13:26' - 15/04/2021
BNEWS Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021 – 2030 hướng đến kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống.

Sáng 15/4 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 – 2030”.

Mục tiêu chung của đề án trong giai đoạn 2021-2030 hướng đến kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, bảo đảm tổ chức thực hiện các hoạt động thú y có hiệu lực, hiệu quả; kiểm soát tốt dịch bệnh động vật, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và chủ động hội nhập sâu rộng với quốc tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, tại Việt Nam, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm đã xảy ra ở diện rộng, gây tổn thất rất lớn về con người và kinh tế, điển hình như: cúm gia cầm, cúm lợn, bệnh dại, lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục…

Đặc biệt, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã và đang gây tổn thất rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi, tác động lớn đến CPI, nguồn cung thực phẩm. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng là rào cản kỹ thuật rất lớn đối với xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật từ Việt Nam sang các nước.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho thấy, hơn 75% các loại dịch bệnh nguy hiểm ở người có nguồn gốc từ động vật. Bên cạnh đó, nếu không có hệ thống thú y, thiệt hại do dịch bệnh cao nhất có thể lên đến 0,5% GDP.

“Nếu xây dựng được hệ thống thú y sẽ phòng chống được dịch bệnh, ngăn chặn dịch bệnh lây sang người, quản lý dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, quản lý giết mổ, an toàn thực phẩm, quản lý thuốc, đẩy mạnh xuất khẩu…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Năm 2015, Quốc hội đã thông qua Luật Thú y, là hành lang pháp lý rất quan trọng để ngành Thú y có cơ sở tổ chức triển khai nhiệm vụ quản lý chuyên ngành thú y; trong đó, theo quy định tại Điều 6 của Luật Thú y, ở Trung ương có Cục Thú y trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở cấp tỉnh có chi cục quản lý chuyên ngành thú y (gọi tắt là Chi cục Thú y) trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở cấp huyện có Trạm Thú y trực thuộc Chi cục Thú y (là cánh tay nối dài của Chi cục) đóng trên địa bàn cấp huyện.

Từ năm 2018 đến nay, các địa phương đã sắp xếp lại hệ thống thú y các cấp. Cụ thể có 7/63 tỉnh, thành phố sáp nhập Chi cục Thú y cấp tỉnh với các đơn vị khác của ngành nông nghiệp cấp tỉnh; 36/63 tỉnh, thành phố sáp nhập Trạm Thú y với các đơn vị khác của ngành nông nghiệp cấp huyện và chuyển thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp do UBND cấp huyện quản lý.

Hiện có khoảng 6.400 người làm trong thú y tại cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã bị cắt giảm, nghỉ việc. Những thay đổi này đã dẫn đến nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức triển khai các nhiệm vụ quản lý chuyên ngành thú y các cấp.

Chia sẻ về tình trạng sau khi sắp xếp, ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa qua tỉnh đã phải huy động cả hệ thống chính trị vào tham gia phòng chống bệnh viêm da nổi cục trên gia súc. Trong hoạt động tiêm phòng, tỉnh đã nhập vaccine về nhưng có huyện lại không có cán bộ tiêm, cán bộ thú y cấp xã đã nghỉ không huy động được. Có huyện, vaccine về 1 tuần nhưng vẫn chưa tiêm được, buộc phải huy động lực lượng của Chi cục Thú y xuống giúp.

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao với việc tiếp tục tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ với yêu cầu ngày càng cao và những thách thức, áp lực giao thương với quốc tế ngày càng lớn, đặc biệt áp lực ngăn chặn, kiểm soát tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm, bệnh lây truyền từ động vật sang người.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đánh giá, đề án sẽ mở ra nhiều điều kiện thuận lợi để củng cố bộ máy ngành thú y hoàn thành nhiệm vụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kế hoạch số 02-KH/BCS của Ban cán sự Đảng Bộ tổ chức triển khai thực hiện đề án và văn bản gửi các tỉnh kịp thời để đôn đốc hướng dẫn việc thực hiện đề án này.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Sử cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần thống nhất với Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn kiện toàn bộ máy thú y cơ sở cho các địa phương làm căn cứ, thuận tiện trong việc triển khai.

Đồng quan điểm trên, bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho rằng, nếu giao về địa phương quyết định thì sẽ vẫn tình trạng mỗi địa phương một kiểu. Do vậy, hai bộ nên sớm thống nhất để có khung định hình chung...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, khi thực hiện cái gì mới cũng sẽ gặp khó khăn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng Bộ Nội vụ hướng dẫn cho các địa phương để thực hiện đề án hiệu quả, phù hợp với thực tiễn, nhất là trong phòng chống dịch bệnh động vật.

Triển khai Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030 sẽ có 4 dự án theo danh mục ưu tiên.

Đó là, tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm đối với động vật, sản phẩm động vật; nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vaccine thú y bảo đảm chất lượng, an toàn và hiệu quả; đầu tư, nâng cấp, tăng cường năng lực quản lý, hệ thống các phòng thí nghiệm chẩn đoán, xét nghiệm bệnh động vật, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục