Sớm sửa đổi những bất cập trong Luật thuế 71/2014/QH13
Khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón trong nước, chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu là một trong những chủ trương quan trọng của Chính phủ nhằm điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động.
Để thực hiện chủ trương này, Quốc hội đã ban hành Luật thuế 71/2014/QH13 (Luật 71) có hiệu lực từ năm 2015, quy định các mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) từ khâu nhập khẩu đến khâu sản xuất, thương mại bán ra. Theo đó, Luật 71 có kỳ vọng giảm chi phí giá thành sản phẩm phân bón, giúp người nông dân tăng lợi nhuận trong quá trình canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai thực hiện, Luật 71 đã nảy sinh nhiều bất cập, khiến giá bán phân bón trong nước không giảm mà ngược lại còn làm hạn chế sản xuất kinh doanh, kìm hãm sự phát triển của các dự án đầu tư sản xuất phân bón. Theo thống kê của Hiệp hội phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng từ 7,2% - 7,6%; phân DAP tăng 7,3% - 7,8%, phân supe lân tăng 6,5% - 6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng từ 5,2% - 6,1% so với thời điểm mặt hàng phân bón còn áp dụng thuế VAT 5%. Lý do chính là vì thuộc đối tượng không chịu thuế VAT nên mặt hàng phân bón không được khấu trừ thuế VAT nguyên vật liệu, dịch vụ dùng trong sản xuất. Theo đó, chi phí sản xuất phân bón tăng lên khiến doanh nghiệp buộc phải tính phần thuế VAT không được khấu trừ này vào chi phí giá thành sản phẩm. Hệ quả là người nông dân vẫn phải mua phân bón nội địa với giá cao, từ đó không ít nông dân đã chuyển qua dùng phân bón nhập khẩu do giá cả cạnh tranh hơn. Thực tế cũng cho thấy sau khi Luật 71 có hiệu lực, mặc dù các nhà máy sản xuất phân bón trong nước có thể đáp ứng đủ nhu cầu phân urê, phân lân, phân NPK và hướng tới xuất khẩu một số sản phẩm nhưng từ năm 2015 đến nay, Việt Nam vẫn nhập khẩu khoảng trên 4 triệu tấn phân bón/năm, chủ yếu từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Nga, Trung Đông với tổng trị giá khoảng 1,33 tỷ USD. Có thể thấy, chi phí giá thành phân bón trong nước tăng, dẫn đến bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khi cạnh tranh thị trường với phân bón nhập khẩu. Phân bón nhập khẩu đang hưởng lợi nhiều nhất bởi không phải chịu thuế VAT nên giá bán giảm 5%. Trong khi đó, theo chính sách khuyến khích xuất khẩu của các nước, thuế suất xuất khẩu phân bón là 0%, sản phẩm phân bón được khấu trừ toàn bộ thuế VAT cho nguyên vật liệu, dịch vụ sản xuất. Ngoài ra, hầu hết các nước này còn có chi phí nguyên liệu sản xuất phân bón rất thấp.Theo ông Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, khi sản phẩm phân bón bán ra không được trừ thuế VAT thì doanh nghiệp không được trừ thuế VAT đầu vào, vì vậy doanh nghiệp buộc phải cộng thêm toàn bộ chi phí này vào giá thành sản xuất.
Còn các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón từ nước ngoài vào thì không phải chịu thuế VAT đầu vào. Vô hình chung, chính sách này đang tạo ra “hỗ trợ” cho nhập khẩu từ nước ngoài mà không hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước. Tuy nhiên, nếu áp thuế VAT với phân bón thì phân bón ngoại nhập cũng phải chịu thuế VAT. Khi đó, ngân sách Nhà nước ngay khi nhập lượng phân bón vào biên giới là đã thu được một khoản từ thuế VAT đó, ông Cường đề xuất.Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, năm 2018, cả nước nhập khẩu hơn 600.000 tấn ure, với kim ngạch gần 70 triệu USD, chủ yếu từ Nga và Trung Quốc. Chín tháng đầu năm 2019, lượng đạm nhập khẩu về tiếp tục tăng 2 con số. Trong khi đó, Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ, 2 doanh nghiệp lớn nắm 70% thị phần phân đạm trong nước lại phải đối mặt với thách thức thu hẹp sản xuất do những bất cập về thuế cũng như do thiếu nguyên liệu khí và giá khí tăng cao. Đây chính là “lỗ hổng” tạo điều kiện cho hàng giả, hàng lậu kém chất lượng chiếm lĩnh thị trường. Theo Bộ Công Thương, trung bình mỗi năm lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý khoảng 3.000 vụ liên quan đến phân bón lậu, phân bón giả. Hàng lậu có giá thấp hơn hàng chính ngạch từ 1-2 triệu đồng/tấn, khi đến tay nông dân thấp hơn thị trường khoảng 500 - 1.000 đồng/kg, nên dễ thu hút người mua. Mặt khác, do nhận thức của người dân nhiều nơi, đặc biệt là nông dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, cộng với tâm lý ham rẻ nên dễ mua phải phân bón giả, phân bón nhái, phân bón kém chất lượng.Hiện cả nước có khoảng 13 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và khoảng 7.000 loại phân bón khác nhau đang được lưu thông. Tuy nhiên, việc quản lý phân bón còn nhiều bất cập và kẽ hở để các đối tượng nhập lậu đưa phân bón kém chất lượng tới ruộng đồng của nông dân. Tác động tiêu cực của phân bón giả, phân bón kém chất lượng sẽ gây suy kiệt sức sống của cây trồng dẫn đến giảm năng suất; cây yếu sẽ bị sâu bệnh tấn công nhiều hơn, làm tăng thêm chi phí cho phòng và trị sâu bệnh hại, gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và chất lượng nông sản. Nguy hại hơn, các mặt hàng nông sản Việt Nam đang hướng tới thị trường quốc tế nếu không đảm bảo chất lượng, việc xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.Ở một góc độ khác, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VNFAV) Phùng Hà cũng cho biết, quy định thuế VAT với phân bón hiện nay đang buộc doanh nghiệp sản xuất phải tăng giá bán hoặc giảm lợi nhuận, làm tăng tổng mức đầu tư các dự án sản xuất phân bón mới.Bất cập này sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước không "mặn mà" đầu tư sản xuất các loại phân bón thế hệ mới, với các tính năng ưu việt hơn như phân bón tan chậm, phân bón điều khiển tan, phân bón nhiều tính năng, ông Phùng Hà cảnh báo.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật 71 nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp phân bón trong nước cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài chính là giải pháp quan trọng giúp giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu, từ đó đảm bảo nền nông nghiệp phát triển bền vững và an ninh lương thực quốc gia, ông Hà chỉ rõ.
Trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những bất cập của Luật 71, Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính) Phạm Đình Thi cho biết, Bộ Tài chính đã nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp và đưa vào nội dung sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng; trong đó, có nội dung chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%.
Hiện Thủ tướng Chính phủ đã xem xét vấn đề này và đề nghị Bộ Tài chính chuẩn bị các nội dung sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng để trình Quốc hội theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, muốn sửa đổi Luật 71 thì Luật này phải được đưa vào Chương trình xây dựng luật của Quốc hội nhưng hiện nay dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi chưa được đưa vào chương trình họp Quốc hội kỳ này./.
Tin liên quan
-
Doanh nghiệp
Doanh nghiệp phân bón mong chờ được "gánh thuế VAT"
13:01' - 02/06/2020
Văn bản Bộ Tài chính gửi Bộ Công Thương và Hiệp hội Phân bón là một tín hiệu vui đối với các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước.
-
Kinh tế Việt Nam
Bộ Tài chính kiến nghị bổ sung mặt hàng phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng
11:23' - 23/04/2020
Bộ Tài chính đã nghiên cứu kiến nghị của doanh nghiệp chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% vào nội dung sửa đổi Luật Thuế GTGT.
-
Doanh nghiệp
Sản xuất phân bón vẫn “lao đao” vì thuế VAT
11:11' - 13/04/2020
Với những bất cập trong chính sách thuế VAT với sản xuất phân bón, không chỉ có doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI tại Việt Nam “lao đao” mà sản xuất nông nghiệp cũng đang bị ảnh hưởng.
-
DN cần biết
Bộ Công Thương gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ với sản phẩm phân bón
15:47' - 09/03/2020
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 715/QĐ-BCT về việc gia hạn áp dụng biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu.
Tin cùng chuyên mục
-
Tài chính
Bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023
07:15' - 12/07/2025
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký chứng thực Nghị quyết số 223/2025/QH15 bổ sung dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.
-
Tài chính
Thành lập Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ đầu tư
21:35' - 11/07/2025
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định số 1511/QĐ-TTg ngày 11/7/2025 về việc thành lập Hội đồng quản lý Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
-
Tài chính
TP. Hồ Chí Minh công bố danh sách 100 doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm
14:25' - 11/07/2025
Ngày 11/7, Bảo hiểm xã hội Khu vực XXVII (TP. Hồ Chí Minh) công bố danh sách 100 doanh nghiệp trên địa bàn chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế kéo dài từ 6 tháng trở lên với số tiền lớn.
-
Tài chính
Bitcoin tiếp tục đà tăng tốc
12:49' - 11/07/2025
Giá bitcoin đã vọt lên mức cao kỷ lục mới, phá vỡ mốc 113.000 USD trong phiên ngày 10/7, trong bối cảnh làn sóng lạc quan lan rộng trên các thị trường tài sản rủi ro.
-
Tài chính
Các nhà đầu tư Nhật Bản đẩy hoạt động M&A lên mức cao kỷ lục
08:39' - 11/07/2025
Tổng giá trị các thương vụ của Nhật Bản, bao gồm cả giao dịch trong nước và quốc tế, đã tăng hơn gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, lên 214,8 tỷ USD – mức cao nhất cho nửa năm.
-
Tài chính
Nợ của Hàn Quốc lần đầu tiên vượt mốc 1.200.000 tỷ won
21:29' - 10/07/2025
Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc cho biết vào ngày 10/7, tổng nợ công tính đến tháng 5 là 1.217.800 tỷ won, tăng 19.900 tỷ won so với tháng 4 và 61.700 tỷ won so với tháng 1.
-
Tài chính
Sửa Luật Quản lý thuế, tinh gọn bộ máy, thúc đẩy chuyển đổi số
21:13' - 10/07/2025
Luật Quản lý thuế hiện hành được ban hành từ năm 2006, triển khai từ ngày 1/7/2007 đến nay đã gần 20 năm, nên cần sửa đổi toàn diện.
-
Tài chính
Thu ngân sách nhà nước tăng hơn 28%
18:28' - 10/07/2025
Ngày 10/7, Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 1.332,3 nghìn tỷ đồng, bằng 67,7% dự toán, tăng 28,3% so cùng kỳ năm 2024.
-
Tài chính
Lỗ hổng thuế khiến Nhật Bản thất thu gần 100 tỷ yen
09:40' - 10/07/2025
Cơ quan thuế Nhật Bản đã xác nhận thông qua các cuộc kiểm toán rằng khoảng 640 tỷ yen tiền cổ tức đã được phân phối từ các TMK cho Singapore trong giai đoạn 2020 và 2022.