Sớm triển khai chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh

10:38' - 13/08/2022
BNEWS Logistics ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và nâng cao đời sống xã hội, nhất là trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19 và giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế.

Vai trò của logistics cũng được đánh giá cao trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. Theo đó, yêu cầu đặt ra là phát triển ngành logistics trở thành một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, có những bước phát triển đột phá để đáp ứng yêu cầu là mạch máu của nền kinh tế.

 

Thực hiện nhiệm vụ đề ra theo Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025”, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, cùng với các ngành chức năng, cộng đồng doanh nghiệp logistics Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ. Đồng thời, tiến tới thực hiện việc xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và doanh nghiệp dịch vụ logistics.

Đây là sáng kiến và do VLA chủ trì, tổ chức thực hiện với sự tham gia của các đơn vị nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) và Dream Incubator (DI).

Qua đó, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu điều tra các doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý Nhà nước... để đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam về ngành kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam.

Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) được đánh giá sẽ trở thành công cụ hữu dụng và là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam theo tinh thần “Chuyển đổi số, Đổi mới, Sáng tạo” mà Đại hội nhiệm kỳ VIII (2021 - 2024) VLA đề ra.

Đại diện nhóm nghiên cứu, bà Lê Thanh Hà (Ban Pháp chế VCCI) cho rằng, LCI là chỉ số chuyên biệt cho một lĩnh vực kinh tế quan trọng như logistisc. Qua quá trình nghiên cứu và triển khai rất nhiều chỉ số tổng hợp, cho phép đo lường nhiều vấn đề lớn của nền kinh tế Việt Nam như: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), chỉ số hiệu quả quản trị và tành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) hay chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, thị và sở, ngành (DDCI).

LCI sẽ cho biết thứ bậc, vị trí của từng đơn vị, cấp, ngành hay các địa phương đang ở đâu, điểm nào yếu hay mạnh, giúp các nhà lãnh đạo có cái nhìn tổng thể từ lượng lớn thông tin của ngành. Đồng thời, các chỉ số này cũng giúp đơn giản hóa việc nắm bắt thông tin và truyền thông, qua đó cho thấy sự thay đổi, tiến triển của hiện tượng hay vấn đề của địa phương để thuận tiện so sánh với các địa phương hay quốc gia khác.

Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp cho biết thêm, LCI sẽ đem đến bức tranh chung về ngành kinh doanh dịch vụ logistics tại các tỉnh, thành phố, từ đó giúp hoạch định các chính sách nhằm phát triển ngành này tại các địa phương trong cả nước. Chỉ số LCI sẽ tìm hiểu và lý giải vì sao có sự khác biệt, chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố trong phát triển logistics phục vụ kinh doanh, xuất nhập khẩu. Do vậy, những đánh giá từ kết quả chỉ số LCI có những tác động và đóng góp quan trọng cho các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp.

LCI sẽ được sử dụng để tham gia phản biện chính sách với chính quyền địa phương, giúp cải thiện, phát triển ngành dịch vụ logistics phục vụ kinh doanh. Các nhà hoạch định chính sách có thể tham khảo các chỉ tiêu của LCI làm tiêu chí đánh giá cho nhiều chính sách cải cách kinh tế.

Về lâu dài, chỉ số này góp phần tác động cắt giảm chi phí logistics và hỗ trợ phát triển sản xuất, xuất khẩu. Ngoài ra, LCI còn tạo dựng hình ảnh và uy tín cho các địa phương cũng như Việt Nam trong việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Đồng thời, các địa phương có thể tham khảo, học tập kinh nghiệm từ những nơi khác để áp dụng tại địa phương mình, ông Hiệp nêu rõ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục