Sông Hương sẽ được nạo vét, khơi thông dòng chảy để thoát lũ

09:32' - 01/02/2018
BNEWS Tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa quyết định đầu tư hơn 15,36 tỷ đồng (giai đoạn 1) nạo vét khơi thông dòng chảy để thoát lũ cho Sông Hương với thời gian thực hiện trong 3 năm, kể từ năm 2018.
Sông Hương sẽ được nạo vét, khơi thông dòng chảy để thoát lũ. Ảnh: TTXVN
Dự án nhằm đảm bảo tiêu thoát lũ nhanh, giảm thời gian ngập lụt kéo dài trong vùng hạ lưu sông Hương; phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông thủy nội địa; cải tạo cảnh quan môi trường tạo điều kiện phát triển các làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái, thuận lợi cho tàu thuyền tránh trú vào mùa mưa bão.

UBND tỉnh giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên - Huế làm chủ đầu tư; thực hiện việc nạo vét khơi thông các bãi bồi với tổng diện tích khoảng 5,55 ha trên dòng chính sông Hương có ảnh hưởng lớn đến việc thoát lũ, neo đậu tàu thuyền phục vụ du lịch.

Cụ thể, dự án bao gồm nạo vét các vị trí: bãi bồi cửa vào sông An Cựu, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế với diện tích nạo vét khoảng 1,0 ha; bãi bồi Bến thuyền số 5 Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế với diện tích nạo vét khoảng 1,1 ha; bãi bồi trước công viên Thương Bạc, phường Phú Hòa, thành phố Huế với diện tích nạo vét 2,1 ha; bãi bồi khu vực cửa vào sông Đông Ba và dọc đường Trịnh Công Sơn, phường Phú Hoà, thành phố Huế với diện tích nạo vét khoảng 0,6 ha; bãi bồi cửa ra sông Đông Ba, phường Phú Hậu, thành phố Huế với diện tích nạo vét khoảng 0,75 ha.

Trong thời gian qua, tỉnh tập trung quy hoạch chi tiết bờ sông Hương theo hướng phát triển từng khu vực. Hạ du - khu qua trung tâm thành phố Huế đã xây dựng hệ thống công viên, vườn hoa từ cầu Tràng Tiền đến chùa Thiên Mụ tạo thành hệ cảnh quan phù hợp với các kiến trúc thành nội (bờ Bắc) và kiến trúc Pháp, chủ yếu là kiến trúc xây dựng (bờ Nam); nối liền các mảng vườn hoa, công viên.

Đặc biệt, quần thể di tích Cố Đô Huế từ khi được công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1993 với 17 di tích và cụm di tích đã được công nhận gồm: Hoàng thành, Kinh thành, Trấn Hải thành, đàn Nam giao, Văn-Võ miếu, cung An Định, Hổ quyền-điện Voi ré, các lăng: Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Dục Đức, Đồng Khánh, Khải Định, Vạn Vạn, điện Huệ Nam, chùa Thiên Mụ đều có quan hệ mật thiết với sông Hương trong tổng thể không gian kiến trúc chung.

Đến nay, tỉnh đã thực hiện nhiều dự án chỉnh trang bờ sông Hương, đoạn chảy qua thành phố Huế. Các dự án đã tập trung giải tỏa các hộ dân sống ven sông Hương, trong đó thành phố Huế đã tập trung giải tỏa 187 hộ dân đoạn từ Kim Long đến Thiên Mụ với tổng kinh phí đầu tư 12 tỷ đồng; giải tỏa dân đoạn từ Gia Hội đến cầu chợ Dinh với chiều dài 2,1 km, trong đó có tuyến đường mới mở chạy dọc bờ sông với cao trình+2m, tổng vốn đầu tư là 54 tỷ đồng.

Đoạn bờ sông Hương trước công viên 3/2, từ cầu Tràng Tiền đến khách sạn Century được đầu tư gần 7 tỷ đồng để kè bờ, làm bến thuyền du lịch đón khách đi xem ca Huế trên sông. Nhiều đoạn bờ sông từ cầu Bạch Hổ đến cầu Tràng Tiền xuôi về cồn Hến đã được chỉnh sửa, trồng cây, tạo các thảm cỏ, tăng thêm vẻ đẹp, sự hấp dẫn cho cảnh quan đôi bờ sông Hương. Các công viên Thương Bạc, Phú Văn Lâu… và phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu dọc bờ sông Hương đã được sửa chữa nhằm tạo các sân chơi hấp dẫn, thu hút du khách.

Trong quá trình phát triển đô thị Huế, sông Hương được xem là dòng sông di sản, là linh hồn của đô thị Huế, đồng thời là trục cảnh quan trung tâm bậc nhất của cố đô Huế. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đô thị Huế đã có không ít các tác động tiêu cực đến sông Hương, nhất là thiên tai lũ lụt. Việc nạo vét khơi thông dòng chảy để thoát lũ cho Sông Hương sẽ có tác động tích cực đến phát triển các khu du lịch ven sông Hương và đảm bảo các yếu tố thân thiện môi trường…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục