Sự chuyển đổi của các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Ấn Độ

06:30' - 01/06/2021
BNEWS Việc những "kỳ lân" công nghệ mới xuất hiện trong bối cảnh Ấn Độ đang đóng cửa nền kinh tế khiến nhu cầu giảm sút và nguồn cung gặp khó khăn được coi là một kỳ tích đáng kinh ngạc.

Theo trang mạng Eurasia Review, trong tuần thứ hai của tháng Tư, Ấn Độ có thêm 6 công ty khởi nghiệp đạt danh hiệu "kỳ lân" – tức là các công ty được định giá từ 1 tỷ USD trở lên.

Điều này thật ấn tượng khi so sánh với việc chỉ có 6 và 7 kỳ lân mới xuất hiện, tương ứng trong cả năm 2019 và 2020. Việc những kỳ lân mới này xuất hiện trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tàn phá đất nước và Ấn Độ đang đóng cửa nền kinh tế khiến nhu cầu giảm sút và nguồn cung gặp khó khăn quả là một kỳ tích đáng kinh ngạc.

Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty khởi nghiệp đều ghi nhận thành tích như vậy. Một cuộc khảo sát do Hiệp hội các công ty phần mềm và dịch vụ quốc gia của Ấn Độ thực hiện trong tháng Tư cho thấy, có tới 9/10 công ty khởi nghiệp bị sụt giảm doanh thu, phản ánh thái độ dè dặt của nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh đại dịch. Đối mặt với nhu cầu biến động, sự tăng trưởng của hầu hết các công ty khởi nghiệp Ấn Độ đã bị kìm hãm đáng kể.

Ấn Độ là thị trường khởi nghiệp lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2020 với tổng trị giá khoảng 11,8 tỷ USD, chỉ sau Trung Quốc (83 tỷ USD) và Mỹ (143 tỷ USD). Ấn Độ vẫn được coi là một thị trường "nóng" đối với cổ phần tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm từ các công ty như SoftBank, Naspers và Tiger Global, bất chấp các quy tắc mới về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được đưa ra nhằm hạn chế việc các công ty Trung Quốc đầu tư vào các công ty Ấn Độ.

Trung Quốc là một trong những cổ đông lớn nhất trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Ấn Độ, với các khoản đầu tư của Trung Quốc hỗ trợ cho 18 trong số 30 kỳ lân của Ấn Độ. Tuy nhiên, các quy định mới về FDI có nghĩa là các loại hình đầu tư này cần phải có sự chấp thuận của chính phủ.

Đại dịch đã thúc đẩy việc áp dụng nhanh chóng công nghệ trực tuyến ở Ấn Độ. Ngày càng có  nhiều doanh nghiệp chuyển hướng hoặc mở rộng các hoạt động trực tuyến hoặc kỹ thuật số, với các công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào các công ty khởi nghiệp công nghệ cũng như các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực như hàng tiêu dùng nhanh, giao hàng tạp hóa trực tuyến và giải trí gia đình. 

Hàng chục kỳ lân Ấn Độ mới xuất hiện trong năm nay trải dài trên nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau, bao gồm bảo hiểm kỹ thuật số, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và các nền tảng thương mại xã hội.

Chính phủ có thể giúp duy trì động lực trong những không gian này bằng cách mở rộng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và tài chính, đồng thời giải quyết bất bình đẳng về kinh tế xã hội. Chính phủ Ấn Độ đã giúp tạo ra một môi trường thuận lợi thông qua sáng kiến "Startup India" (Ấn Độ khởi nghiệp), bắt đầu vào năm 2016. Sáng kiến này nhằm mục đích xúc tác văn hóa khởi nghiệp và xây dựng một môi trường khởi nghiệp đổi mới và sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra các cơ hội việc làm quy mô lớn.

"Startup India" định nghĩa "công ty khởi nghiệp" là các công ty có trụ sở chính ở Ấn Độ, được thành lập dưới 10 năm và có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ rupee (khoảng 13,7 triệu USD). Sáng kiến này sẽ giúp giảm gánh nặng về quy định, cung cấp hỗ trợ tài chính và trợ cấp, đồng thời tạo điều kiện cho môi trường khởi nghiệp.

Bên cạnh đó, sáng kiến cũng góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác giữa ngành học thuật và công nghiệp thông qua các phòng thí nghiệm đổi mới, các chương trình phát triển năng lực như đào tạo, quảng cáo và các khoản tài trợ.

Ngân sách cho sáng kiến này trích từ quỹ do Ngân hàng Phát triển Công nghiệp Nhỏ của Ấn Độ (SIDBI) quản lý. Tính đến tháng 3/2020, sáng kiến này đã đầu tư tổng cộng khoảng 33,8 tỷ rupee (463 triệu USD) cho 320 công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, số doanh nghiệp này chỉ chiếm 1% trong số 28.979 công ty khởi nghiệp đã đăng ký ở Ấn Độ, có nghĩa là phần lớn ngân sách vẫn phải dựa vào vốn tư nhân và vốn đầu tư mạo hiểm. 

Các công ty khởi nghiệp được chính phủ hỗ trợ tài chính có thể chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tương lai gần khi sáng kiến công bố kế hoạch tài trợ "hạt giống mới" vào tháng 1/2021. Cơ chế này sẽ cung cấp hỗ trợ tài chính cho 3.600 công ty khởi nghiệp trong vòng 4 năm để phát triển nguyên mẫu, thử nghiệm sản phẩm, tìm kiếm thị trường và thương mại hóa…

Với việc Ấn Độ đang thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số dựa trên tri thức, chính phủ nước này đang nỗ lực triển khai cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) và tăng cường các chính sách về quản trị điện tử, đầu tư và đổi mới công nghệ thông qua nghiên cứu và giáo dục đại học để hỗ trợ các doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh nhu cầu ngày càng tăng đối với các dịch vụ kỹ thuật số trong thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, các công ty khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ tài chính, công nghệ giáo dục, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng sẽ nhận thấy nhu cầu của người dùng ngày càng tăng và thu hút nhiều đầu tư hơn.

Tuy nhiên, hệ sinh thái khởi nghiệp của Ấn Độ còn đối diện nhiều thách thức. Thực tế là sự phân bổ các công ty khởi nghiệp và nguồn vốn chủ yếu tập trung ở các trung tâm đô thị lớn, với ít lựa chọn cho những doanh nghiệp ở các thành phố nhỏ hơn hoặc ở các vùng nông thôn.

Các khoản đầu tư cũng tập trung nhiều vào các lĩnh vực công nghệ hỗ trợ công nghệ thông tin. Thành công trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc đa dạng hóa đầu tư khởi nghiệp sang một loạt các lĩnh vực bao gồm nông nghiệp, sản xuất, dịch vụ xã hội, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các lĩnh vực khác.

Ấn Độ không có bất kỳ một doanh nghiệp mang tầm cỡ toàn cầu thực sự nào, chẳng hạn như Google, Facebook hay SpaceX, mà khởi đầu là các công ty khởi nghiệp. Trong khi đó, quốc gia láng giềng mà Ấn Độ thường hay tự so sánh là Trung Quốc có tỷ lệ khởi nghiệp rất thành công, bao gồm các tập đoàn Alibaba, ByteDance và DiDi.

Điều này một phần có thể là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Ấn Độ chưa hoàn thiện, kết nối di động và băng thông rộng kém, ít giải pháp công nghệ cao và đầu tư ít ỏi cho nghiên cứu và phát triển. Ấn Độ xếp hạng tương đối kém về đổi mới và số lượng bằng sáng chế.

Có một khoảng cách lớn giữa tiềm năng và hiện thực của Ấn Độ. Với nhu cầu chưa được đáp ứng của một lượng lớn dân số và nhu cầu thúc đẩy về công nghệ và đổi mới, Ấn Độ có tiềm năng trở thành một điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu. 

Đại dịch COVID-19 là một bước ngoặt trong sự thay đổi môi trường khởi nghiệp của Ấn Độ, với nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp kỹ thuật số tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các kỳ lân mới giống như cách các công ty này đã phát triển sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều công ty khởi nghiệp nhỏ sẽ thất bại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục