Sự phục hồi kinh tế Mỹ chịu tác động của biến thể Delta

21:28' - 17/09/2021
BNEWS Số liệu báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 16/9 cho thấy doanh số bán lẻ Mỹ trong tháng 8 đã bật tăng trở lại sau khi giảm ở tháng trước đó, khi đại dịch COVID-19 bùng phát do biến thể Delta.

Theo báo cáo trên, tổng doanh số bán lẻ trong tháng 8 là 618,7 tỷ USD, tăng 0,7% so với một tháng trước đó.

Trong tháng 7, doanh số bán lẻ đã giảm 1,8% theo số liệu điều chỉnh, do người tiêu dùng ngày càng quan ngại về dịch COVID-19.

Nhà kinh tế Diane Swonk của công ty kiểm toán Grant Thornton nhận định doanh số bán lẻ trong tháng 8 là tốt hơn mong đợi, nhưng được đưa ra sau sự điều chỉnh giảm lớn của tháng 7. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh doanh ô tô, bà cho biết doanh số bán xe giảm do giá tăng và tình trạng thiếu hụt nguồn cung mà nguyên nhân chính là do thiếu chip.

Theo số liệu thống kê chính thức, tổng doanh số bán lẻ trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 8 đã tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nền kinh tế Mỹ phục hồi sau suy thoái do đại dịch.

Tuy nhiên, sự phục hồi này đang chịu tác động từ đợt bùng phát của biến thể Delta thời gian gần đây, dẫn đến sụt giảm trong lòng tin người tiêu dùng và việc làm.

Gregory Daco, nhà kinh tế thuộc Oxford Economics, nhận định kinh tế Mỹ “đã hạ nhiệt đáng kể” do đợt bùng phát biến thể Delta, xung lực tài chính giảm dần và những hạn chế nguồn cung dai dẳng.

Trong khi đó, bà Swonk cho rằng số liệu về những tác động tồi tệ nhất của đại dịch cũng như những gián đoạn do siêu bão Ida vẫn còn chưa được thống kê đầy đủ.

Ngoài ra, cùng với kế hoạch hỗ trợ bổ sung bảo hiểm thất nghiệp cho hàng triệu người đã hết hạn, theo bà Swonk, dự kiến mức tăng chi tiêu của người tiêu dùng trong quý này sẽ rất hạn chế.

Ở bên kia Đại Tây Dương, số liệu được Văn phòng Thống kê quốc gia Anh công bố ngày 17/9 cho thấy doanh số bán lẻ trong tháng 8 đã giảm trong bối cảnh lĩnh vực tạp hóa chịu tác động do người dân trở lại nhà hàng sau khi những hạn chế chống dịch được dỡ bỏ.

Theo đó, doanh số bán lẻ tiếp tục giảm 0,9%so với tháng trước, sau khi giảm 2,8% trong tháng 7. Doanh số của các cửa hàng thực phẩm giảm do dịch vụ nhà hàng, khách sạn hồi phục sau khi được mở lại hồi đầu năm nay.

Bên cạnh đó, doanh số nhiên liệu tăng trong tháng 8 do nhiều người đi ra ngoài nhiều hơn khi nền kinh tế hoàn toàn mở lại trong tháng 7.

Văn phòng Thống kê quốc gia Anh cho biết, dù sụt giảm, song doanh số bán lẻ tính chung vẫn cao hơn 4,6% so với mức trước đại dịch.

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của Anh vẫn đi ngang như là hệ quả của đại dịch dai dẳng, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và giá cả hàng hóa tăng vọt.

Theo đó, kinh tế Anh chỉ tăng trưởng 0,1% trong tháng 7, so với mức 1% của tháng 6. Trong khi đó, tỉ lệ lạm phát hàng năm lại tăng 3,2% - mức cao nhất trong 9 năm.

Theo nhà kinh tế Paul Dales thuộc công ty tư vấn nghiên cứu Capital Economics, sự sụt giảm doanh số bán lẻ trong tháng 8 tại Anh cho thấy sự đình trệ trong phục hồi kinh tế ở Anh trong tháng 7 đã kéo dài sang tháng 8./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục