Sửa đổi để thuế thu nhập cá nhân không còn lạc hậu

17:04' - 04/04/2022
BNEWS Theo các chuyên gia kinh tế, chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện nay cần phải tính toán lại, bởi biểu thuế lũy tiến quá dày, mức giảm trừ gia cảnh dù tăng nhưng vẫn chậm so với giá cả trên thực tế.

Thuế thu nhập cá nhân là một sắc thuế trực thu. Đây là khoản từ thuế thu nhập cá nhân với người làm công ăn lương, người kinh doanh, cá nhân đầu tư chứng khoán, chuyển nhượng bất động sản...

 
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân (thuế TNCN) hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… Số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.

Bộ Tài chính cho biết, đối với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.

Ngày 2/6/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN. Theo đó, điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng thì người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế TNCN. Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức 17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.

Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ cho người nộp thuế. Số thuế phải nộp đã giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mức giảm trừ  này vẫn bị xem là lạc hậu trong bối cảnh kinh tế liên tục tăng trưởng. Giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao mà vẫn chưa thể điều chỉnh được vì vướng quy định chỉ sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế thu nhập cá nhân khi chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20%.

Theo ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, nên thay đổi mức 20% vì mức lạm phát này cao, nếu để lâu mới điều chỉnh thì người lao động bị thiệt. Đây chính là điểm bất cập cơ bản trong sắc thuế thu nhập cá nhân, thời gian điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lâu và dài quá.

Đợt gần nhất mức giảm trừ gia cảnh được điều chỉnh từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng cũng phải mất đến 7 năm. Quy định này nếu không sửa sẽ thiệt thòi cho người nộp thuế vì tỷ lệ lạm phát những năm gần đây chỉ khoảng từ 2 - 4%/năm nên thời gian điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh sẽ từ 5 - 7 năm mới được thực hiện.

Chuyên gia kinh tế TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nên nới mức không phải đóng thuế cao hơn hiện nay, vì đời sống của người dân cao hơn thì phải đảm bảo đủ chi tiêu. Mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nâng từ 11 triệu đồng lên mức từ 15 -20 triệu đồng.

Bên cạnh đó, biểu thuế lũy tiến từng phần quá dày với 7 bậc thuế, từ 5 - 35%, gần gấp đôi thuế suất thu nhập doanh nghiệp. Đây cũng là một điểm hạn chế của thuế thu nhập cá nhân hiện nay, do đó các chuyên gia cho rằng, cần giảm còn từ 3-5 bậc thuế; hạ thuế suất của các bậc nhằm giảm bớt áp lực cho người nộp thuế

Ông Nguyễn Văn Được cũng đặt ra câu hỏi, tại sao không giảm mức thuế xuất dẫn đến tình trạng người lao động né nộp thuế thu nhập cá nhân và có hiện tượng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, điều này khiến cho ngân sách nhà nước hụt thu.

Bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ, vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, để sửa được thì phải sửa luật và việc này đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình sửa đổi các luật thuế bắt đầu thực hiện ngay từ năm nay./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục