Sửa đổi thuế GTGT phù hợp với sự vận động của thị trường

14:05' - 11/11/2016
BNEWS Chính sách thuế giá trị gia tăng đang dần được sửa đổi phù hợp với sự vận động của thị trường.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 0,8% so với tháng trước.

Thống kê của Bộ Tài chính cũng cho thấy, đây là một trong những lĩnh vực đóng góp quan trọng vào ngân sách khi khoản thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh 10 tháng đạt khá. Cùng với đó, chính sách thuế giá trị gia tăng đang dần được sửa đổi phù hợp với sự vận động của thị trường.

Minh chứng rõ nét cho nhận định trên chính là tại Luật số 106/2016/QH13 bổ sung đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) dịch vụ chăm sóc người cao tuổi và người khuyết tật nhằm tạo tiền đề để các đối tượng này có cơ hội thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dưỡng lão với mức giá hợp lý.

Tại Việt Nam , một gia đình thường có từ 3-4 thế hệ sinh sống. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế phát triển nhanh chóng cùng với sức ép của xã hội, công việc khiến các thành viên trong gia đình luôn bận rộn.

Việc dành thời gian chăm sóc đối với ông, bà, bố mẹ già theo đó cũng bị ảnh hưởng. Thời gian qua, Nhà nước đã đầu tư nhiều cho các Trung tâm bảo trợ xã hội nhưng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu ngày càng tăng của dịch vụ này.

Vì thế, việc sửa đổi luật khuyến khích xã hội hóa; thu hút đầu tư trong và ngoài nước đối với lĩnh vực chăm sóc người neo đơn, yếu thế trong xã hội là thực sự cần thiết.

Ngoài dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, điều chỉnh thuế GTGT đối với tài nguyên, khoáng sản như trong Luật số 106/2016/QH13 được đánh giá là cần thiết.

Sửa đổi thuế GTGT phù hợp với sự vận động của thị trường. Ảnh: TTXVN

Theo website của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Việt Nam nằm giữa hai vành đai tạo khoáng lớn của thế giới là Thái Bình Dương và Địa Trung Hải.

Công tác thăm dò địa chất trong 40 năm qua phát hiện và đánh giá được trữ lượng của 5000 mỏ và điểm quặng, thuộc 60 loại khoáng sản. Khoáng sản chiếm đến 40% tỷ trọng tổng giá trị tài nguyên thiên nhiên.

Các loại khoáng sản có quy mô lớn như: than, boxit, thiếc, sắt, đồng, crom, vàng, đá quý đặc biệt là dầu mỏ. Tài nguyên khoáng sản giữ một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của công nghiệp.

Dựa trên thế mạnh khoáng sản mà một số ngành công nghiệp của Việt Nam phát triển khá mạnh như dầu khí, hóa chất luyện kim, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng…

Các loại khoáng sản được khai thác chủ yếu vẫn là dầu mỏ, khí đốt và than, chiếm tỉ trọng 90% sản lượng ngành khai thác mỏ và khai thác đá.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên hiện nay bị thu hẹp cả về số lượng và chất lượng. Theo nhận xét của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào vốn đầu tư, tài nguyên thiên nhiên được sử dụng ở mức trung bình và nguồn nhân lực được sử dụng kém nhất.

Nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng hiện này đó chính là do hoạt động khai thác một cách bừa bãi, cùng với việc sử dụng tài nguyên lãng phí và công tác quản lý yếu kém của các cấp chính quyền địa phương.

Trước thực tế này, Luật 106/2016/Qh13 sửa đổi một số nội dung quy định về đối tượng không chịu thuế, đối tượng áp dụng thuế suất 0% và hoàn thuế GTGT nhằm khắc phục những bất hợp lý của Luật thuế GTGT hiện hành.

Trong đó, bổ sung đối tượng không chịu thuế GTGT và không thuộc diện được áp dụng thuế suất 0% đối với sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản có tổng giá trị tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên.

Quy định này sẽ khuyến khích các nhà máy đầu tư, chế biến sâu từ đó hạn chế xuất thô khoảng sản Việt Nam như thời gian qua.

Cùng với đó, Luật số 106/2016/Qh13 bổ sung quy định không được hoàn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu không thực hiện xuất khẩu tại địa bàn hải quan theo Luật Hải quan.

Việc sửa đổi này xuất phát từ việc nhiều trường hợp xuất khẩu qua cửa khẩu phụ; đường mòn, lối mở (xuất khẩu tiểu ngạch) có dấu hiệu gian lận; lợi dụng chính sách để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

Thực tế cho thấy, các trường hợp xuất khẩu tiểu ngạch không có hợp đồng chính tắc, không thanh toán quốc tế qua ngân hàng theo các phương thức thanh toán có tính thông lệ quốc tế mà sử dụng thanh toán qua tài khoản vãng lai do tổ chức, cá nhân nước ngoài mở tại Việt Nam.

Để được hoàn thuế, cơ sở xuất khẩu cần hợp thức hóa hợp đồng mua bán và chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Vì vậy, phát sinh trường hợp thông đồng, lợi dụng việc hợp thức hóa hồ sơ hoàn thuế để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, từ ngày 16/9 - 15/10, ngành hải quan chủ trì, phối hợp phát hiện bắt giữ tổng số 635 vụ việc vi phạm; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, nhiều vụ buôn lậu qua hình thức đường mòn, lối mở với nhiều mặt hàng bị bắt giữ ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục