Đề xuất cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó do dịch COVID-19

11:22' - 25/06/2021
BNEWS Đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, bảo đảm khả thi để các đối tượng khó khăn được tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất các hỗ trợ của nhà nước.

Khẩn trương đánh giá và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, khẩn trương tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 và đề xuất cơ chế, chính sách, biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, bảo đảm khả thi để các đối tượng khó khăn được tiếp cận nhanh nhất, hiệu quả nhất các hỗ trợ của nhà nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tại dự thảo Báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021 đang được Bộ lấy ý kiến góp ý của các bộ, ngành, Bộ cũng đã đề xuất tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Chính phủ đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo. Trước mắt là, tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH  vừa được Thường vụ Quốc hội ban hành để hỗ trợ ngành hàng không.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh COVID-19.

Ngoài ra, Bộ đề xuất cần nghiên cứu cho phép được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; đồng thời, tiếp tục thực hiện giảm giá điện cho các đơn vị sản xuất kinh doanh để hỗ trợ khó khăn COVID-19…

Trong báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19 theo hướng mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp. Cơ chế này không chỉ áp dụng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà bổ sung thêm doanh nghiệp trong các ngành chịu tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải.

Bộ này cũng đề xuất Chính phủ chỉ đạo hệ thống ngân hàng hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp, giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục sản xuất kinh doanh.

Để tái cơ cấu nợ vay, hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, bổ sung Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ.Điều này nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 theo hướng cho phép cơ cấu nợ vay, giãn nợ đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021, không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021…

Cùng với những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các cấp, các ngành cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Đồng thời, các địa phương khi cần thiết, cấp bách có thể nghiên cứu, sử dụng cơ chế của Hội đồng nhân dân để quyết định các vấn đề quan trọng, cấp bách đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là không làm đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở dịch vụ và các hoạt động liên quan đến sinh kế của người dân ở vùng đang có dịch./.

Thúy Hiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục