Sức mạnh công nghệ của Nhật Bản – Bài cuối: Các thị trường tiềm năng

06:30' - 04/01/2025
BNEWS Hiện vẫn chưa chắc liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có thúc đẩy đường sắt cao tốc ở Mỹ hay không. Trước đó, ông Trump đã than thở rằng nước Mỹ không có dịch vụ vận tải loại này.
Theo Japan Times ngày 1/1, Ấn Độ có thể là quốc gia tiếp theo sử dụng công nghệ Shinkansen của Nhật Bản. Dự án tàu cao tốc đã bị đình trệ vì nhiều lý do, bao gồm vấn đề giải phóng mặt bằng, nhưng tiến độ xây dựng đã được đẩy nhanh trong năm qua, Giám đốc Tổng công ty đường sắt cao tốc quốc gia Ấn Độ Anjum Pervez cho biết.

Ban đầu, Ấn Độ dự định triển khai dịch vụ tàu cao tốc vào năm 2023 nhưng hiện tại, nước này được cho là đang cân nhắc triển khai một phần vào năm 2026. Những nỗ lực giảm phát thải carbon ngày càng tăng đã khiến một số quốc gia ban đầu loại trừ đường sắt cao tốc phải thay đổi lập trường. Mỹ cũng đang tìm cách đưa vào một số dự án đường sắt cao tốc và chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã ủng hộ những nỗ lực như vậy.

Các công ty Nhật Bản, bao gồm Đường sắt Trung ương Nhật Bản (JR) đang nhắm tới hệ thống tàu cao tốc Shinkansen cho một dự án kết nối Dallas và Houston ở Texas. Giám đốc Văn phòng tư vấn và điều phối của JR Kentaro Takeuchi cho biết, dự án đã được tiến hành và đạt cột mốc quan trọng vào năm 2020 khi Mỹ soạn thảo các quy định về an toàn dựa trên giả định rằng tàu Shinkansen của Nhật Bản sẽ là tiêu chuẩn được sử dụng.

 
JR đang cung cấp dịch vụ tư vấn công nghệ cho Texas Central, công ty tư nhân đứng sau dự án này và National Railroad Passenger Corp., công ty kinh doanh dưới tên Amtrak.

Hiện vẫn chưa chắc liệu Tổng thống đắc cử Donald Trump có thúc đẩy đường sắt cao tốc ở Mỹ hay không, nhưng trong cuộc trò chuyện với tỷ phú Elon Musk vào tháng 8/2024, ông Trump đã than thở rằng nước Mỹ không có dịch vụ vận tải loại này.

Australia cũng đang chuẩn bị phát triển dịch vụ đường sắt cao tốc đầu tiên chạy giữa Sydney và Newcastle. Năm 2023, Australia đã thành lập Cơ quan Đường sắt Cao tốc để lập kế hoạch, phát triển và quản lý dự án. Tổng Giám đốc điều hành của Cơ quan Đường sắt Cao tốc Steve Joseph cho biết: “Đường sắt cao tốc không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích về thời gian di chuyển và vận chuyển. Đường sắt cao tốc tạo ra nhiều việc làm hơn ở nhiều địa điểm hơn, nhiều cơ hội nhà ở hơn cho người dân Australia. Quan trọng nhất, dự án sẽ hỗ trợ nền kinh tế khu vực và đóng góp vào cam kết về môi trường và mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của Australia”.

Theo cựu quan chức Shukuri, Nhật Bản có thể có cơ hội tốt giành được dự án của Australia vì nước này đã tăng cường quan hệ với Australia thông qua quan hệ đối tác “Bộ tứ”, bao gồm cả Mỹ và Ấn Độ.

Giám đốc Takeuchi cho biết JR quan tâm đến dự án của Australia và đã tiến hành một số nghiên cứu và quảng bá hệ thống tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản tại nước này: “Chính phủ Australia hiện nay rất muốn giới thiệu dịch vụ đường sắt cao tốc và đầu tư vào dự án, vì vậy chúng tôi tin rằng dự án có tiềm năng lớn”. Ông cho biết chiến lược ở nước ngoài của JR là lựa chọn cẩn thận các thị trường ổn định về mặt chính trị và tôn trọng các quy tắc, vì các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn có thể phải đối mặt với nhiều bất ổn.

Đối với JR, việc quảng bá hệ thống Shinkansen tới các quốc gia khác có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động của Shinkansen nói chung: “Sứ mệnh của chúng tôi với tư cách là nhà khai thác tàu Shinkansen là cung cấp dịch vụ tàu Shinkansen an toàn, tiên tiến và hiệu quả cho các thế hệ tương lai”.

Với tình trạng dân số Nhật Bản suy giảm và thị trường đường sắt thu hẹp, các nhà cung cấp Shinkansen buộc phải mở rộng ra thị trường nước ngoài để duy trì lợi nhuận. Ông Takeuchi cho biết: “Bằng cách tạo ra doanh thu ở nước ngoài, chúng tôi có thể đào tạo các kỹ sư, duy trì và cải thiện công nghệ tàu cao tốc Shinkansen và tiếp tục cung cấp các dịch vụ tàu cao tốc Shinkansen chất lượng cao”.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục