“Sức nóng” của làn sóng IPO Trung Quốc trở lại nước Mỹ

17:52' - 29/10/2024
BNEWS Các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc) sẽ gia tăng trong năm tới.
Giới chuyên gia nhận định rằng các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ và Hong Kong (Trung Quốc) sẽ gia tăng trong năm tới, khi một số thương vụ nổi bật ngoài Trung Quốc đại lục trong năm nay đang thúc đẩy sự lạc quan của nhà đầu tư.

 

Sau sự kiện Didi - ứng dụng gọi xe “khổng lồ” của Trung Quốc - bị hủy niêm yết tại Mỹ vào năm 2021, thị trường IPO của các doanh nghiệp Trung Quốc tại “xứ cờ hoa” đã chững lại. Tuy nhiên, tình hình đang có dấu hiệu tích cực khi các cơ quan quản lý hai nước đã thống nhất quy trình cho phép các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ. Hãng xe tự hành WeRide của Trung Quốc đã niêm yết trên sàn giao dịch Nasdaq vào cuối tuần trước (ngày 25/10), với giá cổ phiếu tăng gần 6,8%. Trước đó, trong tháng này, nhà vận hành xe tự lái Pony.ai cũng đã nộp hồ sơ niêm yết lên Nasdaq. Cả hai công ty này từ lâu đã có kế hoạch IPO tại Mỹ.

Bà Marcia Ellis, đồng chủ tịch toàn cầu của bộ phận đầu tư tư nhân tại Morrison Foerster tại Hong Kong, cho biết: “Sau một vài năm trì trệ, chúng tôi kỳ vọng thị trường IPO sẽ phục hồi vào năm 2025, nhờ lãi suất giảm và sau khi kết thúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ”. Bà cũng lưu ý rằng nhiều vấn đề về quy định niêm yết cổ phiếu giữa Mỹ và Trung Quốc hiện đã được giải quyết.

Trong khi đó, thị trường Hong Kong vẫn là điểm đến quen thuộc của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là những công ty chưa từng niêm yết. Với sự ổn định về mặt chính trị, văn hóa kinh doanh thân thuộc và quy định rõ ràng, Hong Kong tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận vốn.

Năm nay, có tới 42 công ty Trung Quốc đã “lên sàn” Hong Kong, và 96 hồ sơ IPO đang chờ xử lý tính đến ngày 30/9. Tuần trước, công ty phát triển chip trí tuệ nhân tạo Horizon Robotics và hãng nước uống đóng chai CR Beverage thuộc sở hữu nhà nước đã niêm yết tại thị trường chứng khoán Hong Kong, trở thành hai đợt IPO lớn nhất năm, không tính các công ty niêm yết kép tại Trung Quốc đại lục.

Tuy vậy, ông George Chan, lãnh đạo toàn cầu về IPO tại EY cho biết tốc độ IPO tại Hong Kong năm nay nhìn chung vẫn chậm hơn dự kiến. Ông dự báo quý IV/2024 không phải là thời điểm thuận lợi cho các đợt niêm yết mới, khi hầu hết các công ty đều chờ tới ít nhất tháng 2/2025 để “chào sàn”.

Theo EY, hơn một nửa số vụ IPO tại Mỹ kể từ năm 2023 là của các công ty có trụ sở nước ngoài - mức cao nhất trong 20 năm qua. Trong năm nay, hãng xe điện Zeekr và Amer Sports đã chọn Mỹ làm điểm IPO, và nhà sản xuất xe tải điện Windrose cũng có kế hoạch IPO tại Mỹ vào năm 2025.

Đợt phục hồi của các thương vụ IPO Trung Quốc tại Mỹ và Hong Kong là tín hiệu tích cực cho cả hai thị trường, đồng thời cho thấy niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng của các doanh nghiệp Trung Quốc, sau khi đổ vốn vào Ấn Độ và Trung Đông.

Tuy nhiên, thị trường IPO vẫn phải đối mặt với những thách thức, như sự cạnh tranh gay gắt giữa các sàn giao dịch, rủi ro chính trị và biến động kinh tế toàn cầu. Với sự hỗ trợ từ các chính sách khuyến khích, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội niêm yết ở cả Mỹ và Hong Kong, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục