"Sức nóng" của thuế GST trên chính trường Malaysia

07:03' - 28/04/2018
BNEWS Nhà phân tích Hutchinson cho rằng, chi phí sinh hoạt tăng cao cùng với thuế GST chắc chắn sẽ là những vấn đề nổi cộm trong cuộc bầu cử sắp tới.

Tờ Freemalaysiatoday dẫn lời nhà nghiên cứu Francis Hutchinson, giảng viên cao cấp tại Viện Iseas-Yusof Ishak của Singapore cho rằng thuế Hàng hóa và Dịch vụ (GST) và sự hình thành nhiều đảng phái “gốc” Mã Lai bản địa là hai nhân tố làm thay đổi chính trường Malaysia, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc bầu cử sắp tới tại nước này.

 Ông Hutchinson cho hay hiện nay vấn đề thuế đang ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày của người dân Malaysia. Trước kia, khi chưa có thuế GST, chỉ có khoảng 20% người dân Malaysia “biết” đến thuế. Đó là những người thuộc tầng lớp trung lưu có thu nhập thuộc vào top cao nhất. Còn hiện tại, tất cả mọi người dân Malaysia đều cảm nhận được “sức nóng” từ thuế.

 Đối với nhiều người, đây là lần đóng thuế đầu tiên trong đời họ. Từ việc mua kem đánh răng, nạp thẻ điện thoại di động hay mua sữa…, họ đều phải đóng thuế GST 6%. Trước đây, ví dụ như vào năm 1997, dầu mỏ đóng góp tới 40% ngân sách liên bang. Nhưng trong năm 2017, con số này giảm xuống chỉ còn 14%. Điều đó có nghĩa là 86% ngân sách còn lại cần đến sự đóng góp của doanh nghiệp và người dân. Hay nói cách khác, người dân càng ngày càng phải đóng nhiều thuế hơn.

 Theo ông Hutchinson, phe đối lập rất biết cách tận dụng sự không hài lòng của người dân đối với vấn đề này khi đưa ra những câu hỏi như: tiền đóng thuế của người dân đi đâu? Quả thực, không ai muốn đồng tiền nộp thuế của mình bị thất thoát do quản lý yếu kém hay do tham nhũng.

 Nhà phân tích Hutchinson cho rằng, chi phí sinh hoạt tăng cao cùng với thuế GST chắc chắn sẽ là những vấn đề nổi cộm trong cuộc bầu cử sắp tới.

 Về việc hiện tại có thêm nhiều đảng phái “gốc” Mã Lai bản địa, hay nói cách khác là những đảng phái chủ yếu dựa vào sự ủng hộ của những người gốc Mã Lai, ông Hutchinson cho rằng, việc này giúp cho các cử tri Mã Lai có thêm nhiều lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm người đại diện cho mình.

 Ngoài Đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO), vốn đã trở nên cứng nhắc theo thời gian, chính trường Malaysia hiện nay còn chứng kiến sự ra đời của một loạt đảng phái khác cũng dựa trên nền tảng người Mã Lai bản địa, như Đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS),  Đảng Công lý Nhân dân (PKR), Đảng Niềm tin Dân tộc (Amanah) hay gần đây nhất là Đảng Người dân Bản địa Malaysia Thống nhất (PPBM) do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad thành lập.

 Theo ông Hutchinson, với việc có nhiều đảng gốc Mã Lai như trên, cử tri Malaysia bản địa có thêm nhiều lựa chọn để thể hiện chính kiến cũng như lý tưởng của mình, chứ không đơn thuần chỉ là sự lựa chọn về sắc tộc như trước kia. Điều này thể hiện một sự thay đổi cơ bản trên chính trường Malaysia, và cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc bầu cử sắp tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục