Tác động của dự luật cơ sở hạ tầng đối với kinh tế Mỹ

20:00' - 10/08/2021
BNEWS Các nhà kinh tế nhận định rằng, các khoản đầu tư vào đường cao tốc, cảng biển và băng thông rộng có thể giúp nền kinh tế Mỹ hoạt động hiệu quả và năng suất hơn.

Tờ Wall Street Journal dẫn lời các nhà kinh tế nhận định rằng, dự luật cơ sở hạ tầng nhận được sự ủng hộ của các nghị sỹ lưỡng đảng tại Mỹ khó có thể tác động lớn đến tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ trong vài năm tới. Tuy nhiên, trong dài hạn, các khoản đầu tư vào đường cao tốc, cảng biển và băng thông rộng có thể giúp nền kinh tế Mỹ hoạt động hiệu quả và năng suất hơn.

Các nhà kinh tế cho biết, việc thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn sẽ tương đối hạn chế vì hai lý do. Đầu tiên, dự luật chỉ đề xuất khoản chi tiêu mới trị giá khoảng 550 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, con số tương đối nhỏ so với gần 6.000 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ đã thông qua trong một năm rưỡi qua để ứng phó với đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế.

Thứ hai, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm bắt đầu từ năm 2022, một mốc thời gian dài hơn so với các sáng kiến được đưa ra trong thời kỳ dịch bệnh như các khoản tiền kích thích nền kinh tế, trợ cấp thất nghiệp bổ sung và các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ. Điều đó sẽ khiến cho ảnh hưởng trực tiếp của dự luật đến nhu cầu và tuyển dụng việc làm ít được chú ý hơn.

Ông Alec Phillips, nhà kinh tế chính trị của Goldman Sachs Research, cho biết dự luật cơ sở hạ tầng có thể khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng thêm khoảng 0,2% trong năm 2022 và 0,3% trong năm 2023.

Để so sánh, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO), kế hoạch "giải cứu nước Mỹ" trị giá 1.900 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden, được Quốc hội thông qua vào tháng Ba, dự kiến sẽ nâng chi tiêu của chính phủ lên tương đương 4,9% GDP trong tài khóa hiện tại.

Chắc chắn, tác động của chương trình này và các gói kích thích tức thời khác đang bắt đầu giảm dần khi các chương trình cứu trợ đại dịch hết hạn, chẳng hạn như khoản tăng thêm 300 USD trợ cấp thất nghiệp hàng tuần sẽ đáo hạn vào tháng Chín tới. Chi tiêu bổ sung cho cơ sở hạ tầng có thể cũng giảm bớt khi tổng chi tiêu của chính phủ giảm.

Các chuyên gia CBO dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Mỹ sẽ chậm lại dần, từ mức khoảng 7,4% trong năm 2021 - năm phục hồi nhanh chóng sau đại dịch COVID-19 - xuống còn khoảng 3,1% vào năm 2022 và 1,1% năm 2023. Các dự báo không bao gồm các tác động có thể có từ dự luật cơ sở hạ tầng.

Không giống như các chương trình cứu trợ đại dịch được ban hành trong hơn một năm rưỡi qua, mục tiêu chính của dự luật cơ sở hạ tầng là nâng cao tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Mỹ bằng cách làm cho các doanh nghiệp và người lao động hoạt động năng suất hơn. Ví dụ như những con đường tốt hơn, vận chuyển hàng hóa nhanh hơn và cắt giảm thời gian lãng phí khi tắc đường.

Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết, tác dụng thúc đẩy việc làm của dự luật sẽ đạt đến đỉnh điểm vào cuối năm 2025, với 660.000 việc làm dự kiến được tạo thêm.

Trích dẫn các nghiên cứu bên ngoài, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Andrew Bates cho biết, thỏa thuận cơ sở hạ tầng dự kiến sẽ tạo ra gần nửa triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất mới trong vòng 4 năm tới.

Tuy nhiên, ông Karen Dynan - Giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard, người từng là nhà kinh tế trưởng tại Bộ Tài chính Mỹ từ năm 2014 đến năm 2017 - nhận định: “Chúng ta không có nhiều dữ liệu tốt. Những ảnh hưởng có xu hướng sẽ chậm dần theo thời gian. Đó là những dự án lớn có ảnh hưởng đến nhiều bộ phận khác nhau của nền kinh tế và vì vậy rất khó để định lượng”.

CBO ước tính trong một báo cáo hồi năm 2016 rằng cứ mỗi đồng USD đầu tư vốn của chính phủ liên bang, sản lượng của khu vực tư nhân tăng khoảng 5 xu. Tỷ lệ đó bằng khoảng một nửa so với ước tính của CBO về tỷ suất sinh lợi của các khoản đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ lợi nhuận phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Theo một báo cáo của CBO vào cuối tuần trước, các khoản đầu tư được thanh toán có xu hướng nâng cao sản lượng kinh tế dài hạn hơn so với những khoản làm tăng thâm hụt ngân sách, bởi vì nhiều khoản vay của chính phủ cao hơn so với các khoản đầu tư của khu vực tư nhân. CBO dự báo gói cơ sở hạ tầng sẽ làm tăng thâm hụt liên bang thêm 256 tỷ USD trong 10 năm tới.

Chất lượng và chi phí của các dự án được thực hiện cũng là các yếu tố cần xem xét. Nghiên cứu cho thấy sự phát triển của hệ thống đường cao tốc liên bang trong giai đoạn từ những năm 1950 đến 1970 đã giúp kinh tế Mỹ trở nên năng suất hơn nhiều. Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng điều đó không có nghĩa là xây dựng một hệ thống thứ hai như vậy sẽ mang lại lợi nhuận tương tự.

James Poterba, nhà kinh tế học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) chuyên nghiên cứu về cơ sở hạ tầng, cho biết: “Chúng tôi muốn tránh tình trạng các cây cầu được xây dựng không dẫn đến đâu”. Cần phải lưu ý rằng cơ sở hạ tầng ở Mỹ có xu hướng đắt đỏ hơn nhiều so với các quốc gia khác. Những yêu cầu như sử dụng lao động của liên đoàn hoặc thép do Mỹ sản xuất cũng như các khoản chi phí đầu vào khác có thể sẽ làm gia tăng chi phí. Ông Poterba nói: “Chúng ta nên xem xét các cách thức có thể thực hiện chi tiêu sao cho thu được nhiều lợi nhuận nhất”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục