Tác động từ lệnh trừng phạt của Mỹ tới quan hệ kinh tế Nga-Nhật

06:00' - 10/02/2019
BNEWS Hiện đang có nhiều chông gai trên con đường thắt chặt quan hệ kinh tế giữa Nga và Nhật Bản, trong đó các lệnh trừng phạt chống Nga là một trong những vấn đề then chốt.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN  
Trang tin của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) mới đây đăng bài viết của tác giả Ivan Timofeev, Giám đốc Chương trình của Câu lạc bộ Valdai kiêm Giám đốc Chương trình của RIAC, nhận định về việc Moskva và Tokyo đẩy mạnh đối thoại liên quan đến triển vọng ký kết hiệp ước hòa bình.

Cả hai nước đều coi việc tăng cường hợp tác thương mại và kinh tế là một trong những mục tiêu chính tại các cuộc đàm phán. Ngoại giao Nhật Bản cho rằng việc giải quyết cái gọi là “vấn đề lãnh thổ” sẽ tạo ra những điều kiện mới cho quan hệ thương mại giữa hai nước. 

Nga đã sẵn sàng thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế như vậy, không phụ thuộc vào kết quả các cuộc thảo luận về quần đảo Kuril. Tuy nhiên, hiện đang có nhiều chông gai trên con đường thắt chặt quan hệ kinh tế giữa hai nước, trong đó các lệnh trừng phạt chống Nga là một trong những vấn đề then chốt.

Bắt đầu từ năm 2014, Nhật Bản đã tiến hành chính sách trừng phạt (chống Nga) với mức độ “khá ôn hòa” nếu so với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tokyo đã xoay sở để tạo ra một sự cân bằng hợp lý giữa sự đồng thuận với Nhóm các nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) và lợi ích quốc gia của mình. Các lệnh trừng phạt hiện nay của Nhật Bản gây thiệt hại rất hạn chế và chủ yếu mang tính biểu tượng đối với trao đổi thương mại thực tế với Nga.

Tuy nhiên, yếu tố trừng phạt đang làm suy yếu lập luận ngoại giao truyền thống của Nhật Bản là “gắn hợp tác kinh tế với việc giải quyết vấn đề lãnh thổ”. Vấn đề chính ở đây là tính “không biên giới” của các lệnh trừng phạt của Mỹ. 

Ngay cả khi Chính phủ Nhật Bản sử dụng một chính sách trừng phạt ôn hòa với Moskva, thậm chí hủy bỏ các lệnh trừng phạt đó, thì các công ty Nhật Bản không chắc sẽ tích cực tiến hành kinh doanh tại Nga trong các lĩnh vực bị cấm vận, vì e ngại khả năng bị Mỹ trừng phạt hoặc đánh mất thị trường Mỹ.

Nói cách khác, các lệnh trừng phạt làm giảm nghiêm trọng giá trị của ý tưởng thỏa hiệp về vấn đề các đảo (tranh chấp) để đổi lấy đầu tư và việc nâng cấp quan hệ song phương lên một mức mới. Tokyo cũng sẽ rất khó xoay chuyển tình thế, ngay cả khi họ có ý chí chính trị. 

Tính chất “không biên giới” trong các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ cản trở hợp tác giữa Nga và Nhật Bản, bất kể đàm phán về vấn đề quần đảo Kuril diễn biến thế nào. Dường như các nhà ngoại giao Nga nhận thức rõ về điều này.

Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử, Nhật Bản đã chứng minh khả năng thích ứng cao đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ, khi chúng ảnh hưởng đến lợi ích của nước này. Ví dụ, Nhật Bản là nhà nhập khẩu dầu lớn của Iran trong một thời gian dài. 

Việc Mỹ liên tục gia tăng trừng phạt đối với Iran đã buộc Tokyo phải tìm cách “lách luật”. Các nhà đàm phán Nhật Bản đã làm việc chuyên nghiệp và giành được sự nhượng bộ từ người Mỹ.

Câu chuyện tương tự cũng đã diễn ra với lệnh trừng phạt gần đây nhất mà Mỹ áp đặt đối với Iran từ ngày 5/11/2018. Tokyo đã thỏa thuận để có được “sự ngoại lệ”, dù vẫn phải cam kết sẽ giảm mua dầu của Iran. 

Nói cách khác, tuy các lệnh trừng phạt làm suy yếu ý tưởng “gắn vấn đề lãnh thổ với hợp tác kinh tế”, song về mặt nguyên tắc cũng không làm mất đi cơ hội hợp tác giữa Nga và Nhật Bản.

Lệnh trừng phạt đầu tiên được áp đặt đối với Nga sau cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Crimea vào Nga. Ngày 18/3/2014, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đình chỉ các cuộc tham vấn về chế độ thị thực và "đóng băng” các cuộc đàm phán về hợp tác đầu tư, hợp tác vũ trụ và quân sự. 

Ngày 29/4, hạn chế thị thực đầu tiên được áp đặt đối với 23 người Nga. Những biện pháp này chủ yếu là tín hiệu thể hiện sự đồng thuận của Tokyo với Nhóm G7 về vấn đề Ukraine, đồng thời cũng gửi tín hiệu tương tự đến Moskva. Tuy nhiên, ngay cả trong giai đoạn này, các hành động của Nhật Bản cũng thận trọng hơn so với các bước đi của Mỹ và EU.

Sự cố với chuyến bay MH-17 đã gây ra làn sóng trừng phạt mới đối với Nga. Nhật Bản lại tham gia cùng với EU và Mỹ trừng phạt Nga, nhưng các lệnh trừng phạt của họ vẫn ít khắc nghiệt hơn. 

Theo Đạo luật hối đoái và Ngoại thương năm 1949, tài sản của 40 cá nhân và hai tổ chức của Nga đã bị "đóng băng" tại Nhật Bản (thế nhưng không chắc họ có tài sản tại Nhật Bản). Ngày 9/12/2014, danh sách này đã được bổ sung thêm 26 cá nhân và 14 tổ chức khác.

Trong nửa cuối năm 2014, Mỹ và EU đã đưa ra các biện pháp trừng phạt đối với Nga theo lĩnh vực chuyên ngành, bao gồm quốc phòng, tài chính và năng lượng. Ngày 24/9/2014, Nhật Bản bắt đầu áp dụng phiên bản trừng phạt theo ngành bằng cách riêng của mình, nhưng ôn hòa hơn nhiều. 

Tokyo áp đặt các hạn chế đối với việc cung cấp sản phẩm quốc phòng và hàng hóa lưỡng dụng (trên thực tế thì hai bên không có những giao dịch kiểu này) và đưa vào danh sách đen 5 ngân hàng Nga (Sberbank, VTB, VEB, Gazprombank và Rosselkhozbank), cấm giao dịch với cổ phiếu của các ngân hàng này có thời gian đáo hạn hơn 90 ngày. 

Tokyo kiềm chế không áp đặt các lệnh trừng phạt đối với ngành năng lượng Nga. Giống như EU, Nhật Bản đã tránh các lệnh trừng phạt leo thang vượt ra ngoài “vấn đề Ukraine”.

Một câu hỏi quan trọng cho tương lai là liệu các công ty Nhật Bản có muốn đầu tư vào Nga hay không, nếu tính đến các biện pháp trừng phạt vượt ra ngoài lãnh thổ của Mỹ, đặc biệt là sau khi Mỹ áp dụng Luật PL 115-44 (Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua cấm vận - CAATSA) và tính đến khả năng Mỹ sẽ còn siết chặt trừng phạt chống Nga. 

Kinh nghiệm cho thấy Bộ Tài chính Mỹ sẽ trừng phạt các công ty thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào nếu vi phạm lệnh trừng phạt “không biên giới” của Mỹ.

Ví dụ, ngoài các công ty Mỹ, một số cuộc điều tra chống lại các pháp nhân từ Thụy Điển, Pháp, Trung Quốc đã được tiến hành vào năm 2018. Quan hệ đồng minh không giúp các công ty này tránh khỏi mối đe dọa bị Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt. 

Do đó, chính phủ của một số quốc gia đã phản đối các lệnh trừng phạt và thậm chí sẵn sàng bảo vệ các công ty của nước họ. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp không muốn mạo hiểm và họ chấp nhận tuân thủ luật pháp Mỹ. Việc giải quyết tranh chấp với cơ quan quản lý Mỹ cho thấy các công ty thường tuân thủ yêu cầu của Mỹ một cách tốt nhất có thể.

Việc Washington gia tăng áp lực trừng phạt đối với Nga gây ra rủi ro cao hơn cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Với sự thống trị của đồng USD, các giao dịch của Nhật Bản với Nga sẽ luôn bị các cơ quan chức năng của Mỹ giám sát, với tất cả các hậu quả có thể nảy sinh, từ việc phạt tiền, hạn chế giao dịch cho đến việc bị loại khỏi thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, các công ty Nhật Bản thời gian qua cũng đã thực hiện các giao dịch với người Nga bất chấp các lệnh trừng phạt. Năm 2016, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã cấp khoản vay trị giá 39 triệu USD cho ngân hàng Sberbank để thực hiện một dự án ở Viễn Đông. 

JBIC cũng đã đầu tư 400 triệu USD vào dự án khí hóa lỏng “Yamal LNG” thuộc sở hữu của tập đoàn Novatek (vốn đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ). Một dự án khác có khoản đầu tư trị giá 170 triệu USD đã được thực hiện đối với công ty Transneft vốn cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và EU.

Câu hỏi đặt ra là liệu các công ty khác của Nhật Bản (đặc biệt là công ty tư nhân) sẽ tiến hành đầu tư vào Nga với quy mô lớn như vậy hay không? Kinh nghiệm hợp tác với Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy các doanh nghiệp tư nhân của các nước này thường tuân thủ yêu cầu của Mỹ ngay cả khi họ biết rằng quan hệ chính trị của Moskva với Bắc Kinh và New Delhi là thân thiện và hữu nghị. Thời gian sẽ cho thấy liệu Tokyo có trở thành một ngoại lệ của xu hướng này hay không?/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục