Tái cấu trúc ngành du lịch để phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19

08:30' - 20/11/2020
BNEWS Sau những ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID -19, ngành du lịch đang tìm giải pháp cho sự phát triển bền vững trong thời gian tới, nhất là tái cơ cấu lại thị trường khách quốc tế, nội địa.

Hội nghị tái cơ cấu thị trường khách du lịch vừa diễn ra tại Hà Nội do Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam năm 2020 (từ ngày 18-21/11). 

Phát biểu tại hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh chia sẻ: Từ đầu năm nay, dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế thế giới và Việt Nam.

Trong đó, du lịch là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Kể từ tháng 2-3/2020, nước ta tạm dừng đón khách quốc tế. Thị trường nội địa cũng bị ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội cũng như đợt dịch lần 2.

Dự báo, trong năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam sẽ sụt giảm khoảng 80%, nội địa sụt giảm 50% so với năm 2019 mặc dù toàn ngành và hầu hết các địa phương đã tổ chức nhiều chương trình kích cầu, quảng bá du lịch. Thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam năm 2020 dự báo là 23 tỷ USD…

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh: Sau những ảnh hưởng lớn từ đại dịch COVID -19, đây là lúc các bên liên quan cùng nhau tìm giải pháp cho sự phát triển của ngành du lịch thời gian tới, đặc biệt là việc cơ cấu lại thị trường khách quốc tế, nội địa.

Du lịch Việt Nam phải sớm sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới sau đại dịch COVID-19 với những thách thức đi kèm, do đó phải chủ động những phương án tốt nhất.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát trên thế giới, hoạt động du lịch quốc tế chưa được mở cửa trở lại, du lịch nội địa đang phục hồi dần và giá vai trò duy trì sự ổn định của toàn ngành.

Các bên liên quan cần nhìn lại sự phát triển của thị trường khách du lịch thời gian qua, đánh giá lại tư duy, xem xét lại cấu trúc để chuẩn bị tốt cho sự phát triển bền vững của du lịch nước ta trong tình hình mới…

Theo Tổng cục Du lịch: Sự tăng trưởng của các thị trường khách du lịch (nội địa và quốc tế) thời gian qua đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Tuy vậy, sự tăng trưởng này cũng khiến ngành du lịch gặp một số hạn chế và thách thức.

Đó là, cơ cấu khách quốc tế phụ thuộc vào một số thị trường, nhiều rủi ro, chất lượng chưa cao, một số địa phương đang có tình trạng tăng trưởng của khách Trung Quốc tỷ lệ nghịch với tăng trưởng của khách châu Âu, Nhật Bản....

Việc tăng trưởng nóng của một số thị trường làm quá tải tại một số điểm đến, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, môi trường, ảnh hưởng việc bảo đảm thương hiệu, chất lượng dịch vụ du lịch quốc gia.

Về cơ cấu thị trường theo mức độ chi tiêu và độ dài thời gian lưu trú thì tỷ lệ khách có chi tiêu cao, thời gian lưu trú dài ngày còn ít. Do đó, ở nhiều phân khúc khách du lịch, lượng khách tuy đông nhưng giá trị thu lại từ khách du lịch chưa cao.

Việc phát triển sản phẩm và thu hút khách du lịch chưa căn cứ trên nhu cầu của thị trường, chưa xác định được một cách rõ ràng các phân khúc cần tập trung đẩy mạnh khai thác và tập trung nguồn lực để khai thác. Khách vẫn chủ yếu tập trung ở các trung tâm du lịch lớn như Đà Nẵng, Nha Trang, Hạ Long... nhưng chưa đều và ổn định vào các thời điểm trong năm, vẫn mang tính mùa vụ.

Trong thời gian tới, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia cũng có xu hướng khuyến khích công dân đi du lịch nội địa để bù đắp lại sự thất thu du lịch quốc tế gây khó khăn cho việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Bản thân du khách cũng có tâm lý e dè, lo ngại và đòi hỏi an toàn cao hơn khi đi du lịch. Việc quyết định đi du lịch cũng khó khăn hơn do kinh tế phục hồi chậm hoặc thu nhập bị giảm sút.

Tổng cục Du lịch đề xuất việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch hướng tới mục tiêu đảm bảo tăng trưởng bền vững khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường.

Ngành du lịch cần đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới; tăng trưởng ổn định khách du lịch nội địa, phân bố cân đối các vùng miền…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục