Tái diễn nạn khai thác khoáng sản trái phép ở Phú Thọ

08:59' - 29/06/2018
BNEWS Dù UBND tỉnh đã chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi vi phạm, không được lợi dụng việc cải tạo san gạt, hạ cốt để bán đất cho các công trình, dự án... song một số huyện ở Phú Thọ vẫn “phớt lờ” chỉ đạo này.

Mặc dù UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các huyện, thành thị giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, không được lợi dụng việc cải tạo san gạt, hạ cốt để bán đất cho các công trình, dự án, việc phát sinh khối lượng vật liệu do cải tạo, san gạt, hạ cốt phải báo cáo bằng văn bản về UBND tỉnh… song một số huyện như Đoan Hùng, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ… đã cố tình “phớt lờ” chỉ đạo, lợi dụng việc hạ cốt nền để khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản, gây bức xúc trong dư luận.
* Tái diễn nạn khai thác cao lanh trái phép
Theo ghi nhận của phóng viên, tại xóm Dấu, xã Đông Cửu (huyện Thanh Sơn), một số đối tượng đã lợi dụng việc hạ cốt nền để khai thác, vận chuyển trái phép cao lanh, khiến nhiều quả đồi bị đào bới nham nhở, các tuyến đường xuống cấp, ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân.

Hoạt động khai thác cát đã làm sạt lở đất canh tác của người dân Phú Thọ. Ảnh: TTXVN

Nhiều người dân ở xóm Dấu cho biết, việc các xe tải vận chuyển khoáng sản vào, ra trên địa bàn xã diễn ra từ lâu, dòng xe chạy từ sáng sớm đến tối muộn, tấp nập nối đuôi nhau chở khoáng sản mang đi.

Xe tải chạy rầm rầm gây bụi bẩn, tiếng ồn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Điều đáng nói, xe chở khoáng sản “tung hoành” trên con đường giao thông “độc đạo” trong xóm làm ảnh hưởng nghiêm trọng việc đi lại, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông…
Cũng theo người dân, để khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép ra khỏi địa bàn xóm Dấu, đối tượng đã tự ý, san gạt mở rộng con đường cũ mà người dân vẫn thường đi trước đây.

Do xe chạy liên tục khiến tuyến đường giao thông của xóm Dấu có dấu hiệu xuống cấp, xuất hiện nhiều “ổ gà”...
Theo quan sát của phóng viên chiều ngày 22/6, tại khai trường khai thác khoáng sản, cả một quả đồi đã bị đào bới nham nhở, sâu hoắm, rộng hàng nghìn m2. Qua các vệt máy múc còn mới nguyên lộ rõ vỉa cao lanh trắng mịn.

Người dân nơi đây cho biết, toàn bộ hệ thống xe chở, máy múc như được báo trước đã rút khỏi khai trường khai thác khoảng vài giờ đồng hồ trước đó.
Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên đã liên hệ với ông Hà Văn Nguyên (chủ thửa đất) và được biết gia đình ông Nguyên đã bán đất cho một đối tượng khai thác với giá 15 triệu đồng. Sau đó, họ cho máy xúc, phương tiện vào khai thác, vận chuyển đi.
Ông Phan Huy Biên - Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cửu cho biết, ngày 5/4, xã Đông Cửu đã có văn bản đồng ý cho ông Nguyên ở xóm Dấu san gạt, cải tạo mặt bằng. Ông Nguyên được phép san gạt mặt bằng trong diện tích đất ở 400m2 với khối lượng 4400m3.

Ông Biên cũng thừa nhận, trong quá trình san gạt mặt bằng, hộ ông Nguyên đã để một số đối tượng lợi dụng, đưa máy xúc, phương tiện vào khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép khiến cho nhân dân trong khu vực bức xúc.
Ngày 9/4, chính quyền xã Đông Cửu, cùng đại diện Công an huyện Thanh Sơn, đại diện bên liên quan có mặt tại hiện trường khai thác khoáng sản để kiểm tra, lập biên bản.

Theo đó, tại hiện trường kiểm tra có một máy xúc, 3 xe tải ben cỡ lớn (một xe đã có đất). Tổ công tác đã đình chỉ mọi hoạt động chở đất ra khỏi địa bàn xã Đông Cửu, chờ các cơ quan chức năng xử lý.

Trên thực tế, dù đã có chỉ đạo của chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động này nhưng thời gian gần đây nhân dân xóm Dấu tiếp tục phản ánh về tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép “bùng phát” trở lại.
Lý giải về việc này, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cửu cho hay, đúng là có tình trạng máy móc quay trở lại khai thác khoáng sản với khoảng 20 xe chở khoáng sản đã được các đối tượng vận chuyển đi.

Số khoáng sản được các đối tượng tập kết ở bãi xóm Đồng Thi, xã Vinh Tiền (huyện Tân Sơn). Chính quyền xã đã báo cáo bằng điện thoại đến UBND huyện Thanh Sơn, Công an huyện Thanh Sơn để có hướng xử lý dứt điểm.
* Cần xử lý dứt điểm
Qua tìm hiểu thực tế ở các địa phương, hầu hết các điểm khai thác cao lanh trái phép trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đều có sự đồng thuận, giúp sức của một số hộ dân và sự buông lỏng quản lý của chính quyền các cấp cơ sở.

Trong khi đó, người dân thấy có lợi là sẵn sàng san phẳng những quả đồi để bán đất cho các đối tượng có nhu cầu mua mà không hề biết, dưới lớp đất san phẳng ấy chính là lượng khoáng sản khổng lồ.

Còn đối với những kẻ mua đất, đó lại là một “kịch bản” khép kín được hợp thức hóa từ phía người dân đến các đối tượng có nhu cầu san gạt đất đồi.

Mặc dù UBND tỉnh đã có chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi vi phạm, nhưng tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra rầm rộ, gây bức xúc cho người dân nơi đây. Ảnh: TTXVN

Tức là, người dân làm đơn xin hạ cốt nền gửi cơ quan có thẩm quyền (cấp xã, huyện). Khi được huyện chấp thuận thì đây chính là tấm bùa hộ mệnh để các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép.
Tại nhiều địa phương, bằng hình thức này nhiều đối tượng khai thác trái phép đã trót lọt hàng nghìn khối khoáng sản như cao lanh, quặng tan, đất sét… mang đi tiêu thụ, gây thất thoát tài nguyên quốc gia, ảnh hưởng môi trường, để lại những hố rộng, sâu hoắm mặc cho người dân, chính quyền gánh chịu…

Một trong những “chiêu bài” đang được các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép thực hiện là trong quá trình khai thác, khoáng sản đã được múc lên, tập kết hoặc vận chuyển không may bị các cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản thu giữ, ngay lập tức các đối tượng này lên kế hoạch, chạy giấy tờ đề nghị các cơ quan chức năng cho phép thanh lý, tận thu…

Và khi được phép thanh lý, tận thu theo "đúng quy trình" thì mặc nhiên các đối tượng tận thu nốt số khoáng sản còn lại.
Ông Nguyễn Xuân Toản - Trưởng phòng Quản lý khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ) cho biết, việc người dân lợi dụng xin hạ cốt nền để khai thác cao lanh trái phép là có.

Sở đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu các sở, ngành, địa phương nâng cao công tác tuyên truyền, có giải pháp ngăn chặn, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; đồng thời tăng cường công tác thanh tra tại các địa bàn trọng điểm.

Ngoài ra, Sở cũng trình UBND tỉnh ban hành quy định về trách nhiệm của các ngành, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó có trách nhiệm quản lý về việc lợi dụng san hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép.
Ông Phan Huy Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cửu cho hay, để ngăn chặn dứt điểm việc lợi dụng san gạt mặt bằng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, xã tiếp tục tuyên truyền để nhân dân kịp thời thông báo chính quyền xã khi phát hiện hoạt động khai thác, vận chuyển xảy ra; lập rào chắn để phương tiện máy xúc, xe tải không thể đi vào vị trí khai thác.

Nếu sự việc xảy ra vượt thẩm quyền xử lý, xã sẽ báo cáo lên cấp chính quyền cao hơn để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trước tình trạng lợi dụng hạ cốt nền để khai thác khoáng sản trái phép trong tỉnh cũng như tại xã Đông Cửu, huyện Thanh Sơn nói riêng, UBND tỉnh Phú Thọ cần khẩn trương chỉ đạo các cơ quan liên quan xác minh, làm rõ, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ tài nguyên; kiểm tra, rà soát trình tự cấp phép và việc thực hiện san gạt mặt bằng, hạ cốt nền; làm rõ trách nhiệm của UBND xã, lực lượng công an địa bàn, cảnh sát giao thông… để ngăn chặn, xử lý dứt điểm khi các đối tượng dùng phương tiện lớn, vận chuyển khoáng sản ra khỏi địa bàn./.
Xem thêm:

>>>Ba tỉnh bàn biện pháp ngăn chặn khai thác cát trái phép trên sông giáp ranh

>>>Nhiều bất cập trong quản lý và khai thác titan ở Bình Thuận

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục