Tại sao đất nước “vạn đảo” Indonesia vẫn phải nhập khẩu muối?

05:30' - 28/03/2018
BNEWS Trong những năm gần đây, Indonesia phải nhập khẩu đến cả triệu tấn muối để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như ngành công nghiệp.
Trong những năm gần đây, Indonesia phải nhập khẩu đến cả triệu tấn muối. Ảnh: TTXVN

Là một trong những quốc gia có bờ biển dài nhất trên thế giới với 17.500 hòn đảo lớn nhỏ, Indonesia lẽ ra phải là một quốc gia tự sản xuất và cung cấp muối phục vụ nhu trong nước, nhưng trong những năm gần đây quốc gia này phải nhập khẩu đến cả triệu tấn muối để đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như ngành công nghiệp. 

Báo Jakarta Globe số ra mới đây có đăng bài viết của tác giả Adinda Normala giải thích vấn đề này như sau: Theo đó, dữ liệu của Bộ Biển và Nghề cá Indonesia cho thấy hiện nay Indonesia chỉ có thể sản xuất tối đa 2,6 triệu tấn muối/năm, trong khi nhu cầu của nước này là 4,23 triệu tấn muối/năm, trong đó chủ yếu được sử sụng trong ngành công nghiệp. 

Indonesia không thể tự cung tự cấp muối do sự phụ thuộc nặng nề vào thời tiết đã ảnh hưởng mạnh đến sản lượng. Đặc biệt năm 2016, ngành sản xuất muối của quốc gia này đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề vì hiện tượng La Nina, khiến sản lượng muối giảm tới 96% xuống chỉ còn 188.000 tấn.

Để bù đắp cho sự thiếu hụt này, năm 2016, Indonesia đã phải nhập khẩu 2,1 triệu tấn muối từ các quốc gia khác nhau, bao gồm Australia, Ấn Độ, Trung Quốc và Đức. Năm 2015, Indonesia cũng nhập khẩu 1,9 triệu tấn muối.

Ông Misri Gozan, một nhà hóa học thuộc Đại học Indonesia, người mới xuất bản cuốn sách “Con đường dài để tự cung cấp muối của Indonesia”, cho biết Indonesia có rất ít các bãi biển đạt đến chiều dài 99.093 km, chiều dài thích hợp cho việc sản xuất muối từ nước biển. 

Bên cạnh đó, cần phải đáp ứng nhiều yêu cầu để biến một khu vực ven biển thành một cơ sở sản xuất muối, bao gồm thời tiết, lượng mưa, độ ẩm, tốc độ gió và sóng biển. Ông trích dẫn một ví dụ, bờ biển ở Sumatra phần lớn không phù hợp cho sản xuất muối do sóng cao làm ảnh hưởng đến quá trình bay hơi nước. 

Bên cạnh đó, nhiều bãi biển cũng được xem là không phù hợp với sản xuất muối vì họ đang tập trung làm du lịch, lĩnh vực mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Ông Misri cho biết người sản xuất muối ở Indonesia vẫn sử dụng một phương pháp rất đơn giản, hầu như dựa hoàn toàn vào ánh sáng Mặt trời, vì vậy khi các điều kiện về môi trường không đảm bảo sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sản lượng muối.

Trên thực tế, một quốc gia có bờ biển dài không nhất thiết là nhà sản xuất muối lớn. Ví dụ, Canada có đường bờ biển dài nhất thế giới, nhưng quốc gia này chỉ đứng thứ 8 về sản xuất muối với mức sản lượng 10 triệu tấn vào năm 2016, theo số liệu của Hiệp hội ngành công nghiệp muối Indonesia (AIPGI). 

Các nước sản xuất muối lớn nhất thế giới thường dựa vào các mỏ muối tự nhiên đã được hình thành từ hàng triệu năm trước. Muối từ các mỏ này thường tập trung hơn, với hàm lượng natri clorua cao hơn so với muối biển, do đó được các nhà sản xuất ưa thích. Việc khai thác muối từ các mỏ cũng ít tốn kém hơn so với việc sản xuất muối từ nước biển. 

Trung Quốc là nước sản xuất muối lớn nhất thế giới với sản lượng 58 triệu tấn vào năm 2016, trong khi quốc gia này chỉ có bờ biển dài thứ 12 thế giới. Tuy vậy, Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu muối lớn thứ ba thế giới với lượng muối nhập khẩu là 189,2 triệu USD, tương đương với 5,9% tổng sản lượng muối trên thế giới. 

Trong khi đó, Hà Lan là nước xuất khẩu muối lớn nhất thế giới với lượng muối xuất khẩu đạt 232 triệu USD, tương đương 10,3% tổng sản lượng muối toàn cầu vào năm 2016.

Ông Totok Siswantara, một chuyên gia về lĩnh vực chuyển đổi công nghệ và công nghiệp, cho biết Indonesia - nước sản xuất muối lớn thứ 32 thế giới - vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu về muối của các ngành công nghiệp trong nước, lĩnh vực cần đến loại muối có hàm lượng natri clorua là 97%, trong khi muối được sản xuất từ nước biển chỉ có hàm lượng natri clorua từ 86-92%. 

Ông cho rằng chính phủ nên bắt đầu hiện đại hoá ngành muối của đất nước bằng việc đổi mới những công nghệ để giảm bớt sự phụ thuộc vào điều kiện thời tiết vốn khó đoán định và hiện đang thay đổi nhanh chóng. 

"Nhu cầu muối trong ngành công nghiệp của Indonesia đang tiếp tục tăng mạnh, nhưng chưa đem lại lợi ích cho những người sản xuất muối. Tất cả các bên phải cùng nhau hợp tác để tăng sản lượng muối ở Indonesia, tương xứng với bờ biển dài của mình", ông nói thêm.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về an ninh lương thực ở Jakarta tuần trước, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Indonesia, ông Luhut Pandjaitan cho biết Indonesia muốn tự cung cấp muối vào năm 2021.

Một trong những nỗ lực nhằm đạt được mục tiêu này là mở rộng diện tích sản xuất muối ở khu vực Đông Nusa Tenggara lên 30.000 hecta, trong đó khoảng 20.000 ha sẽ được sử dụng để sản xuất muối công nghiệp, và diện tích sử dụng cho việc sản xuất muối sẽ phải tiếp tục được mở rộng.

Bộ Biển và Nghề cá Indonesia cũng cho biết đang chuẩn bị áp dụng công nghệ sản xuất muối hiện đại giúp quá trình sản xuất chỉ diễn ra trong vòng 7 ngày, thay vì 70 ngày như hiện nay.

Năm 2017, Indonesia nhập khẩu 1,4 triệu tấn muối. Trong khi đó, với lượng muối nhập khẩu được cấp phép là 3,7 triệu tấn trong năm 2018, trong đó có 2,27 triệu tấn muối công nghiệp, Bộ Thương mại Indonesia đã ban hành giấy phép nhập khẩu loại muối này cho 25 doanh nghiệp Indonesia theo đề nghị của Bộ Công nghiệp nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục