Tại sao OPEC+ tăng nguồn cung dù giá dầu giảm?

05:30' - 05/05/2025
BNEWS Trong một tuyên bố, OPEC+ cho biết thị trường đang "khỏe mạnh" và lưu ý rằng tồn kho dầu vẫn ở mức thấp.
Một nhà máy lọc dầu tại Dammam, Saudi Arabia. Ảnh: THX/TTXVN
Theo bài báo đăng trên tờ New York Times ngày 3/5, giá dầu đang giảm. Các nhà kinh tế đang hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Các tập đoàn dầu khí khổng lồ báo cáo lợi nhuận thấp hơn.

Nhưng vào ngày 3/5, tám nước thuộc Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác được gọi là OPEC+ cho biết họ sẽ tăng sản lượng khoảng 411.000 thùng dầu/ngày vào tháng Sáu. Động thái này, diễn ra sau một bước đi tương tự của nhóm nhằm tăng sản lượng dầu tại cuộc họp tháng Tư, là một sự thay đổi lớn trong chính sách sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa trong ngành năng lượng rộng lớn hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty dầu mỏ và buộc họ phải cắt giảm hoạt động. Trong một tuyên bố, Nhóm cho biết thị trường đang "khỏe mạnh" và lưu ý rằng tồn kho dầu vẫn ở mức thấp.

Saudi Arabia, nước dẫn dắt tổ chức OPEC+, phát tín hiệu rằng họ buộc phải tiếp tục kìm hãm hàng triệu thùng dầu mỗi ngày mà nước này có thể sản xuất.

Ông Richard Bronze, Giám đốc phụ trách địa chính trị tại Energy Aspects, một công ty nghiên cứu ở London, cho biết: "Quan điểm từ Saudi Arabia, đặc biệt, là họ không còn muốn là người gánh vác gánh nặng lớn nhất nếu các nước khác trong nhóm không thể hiện cam kết đầy đủ trong việc thực hiện phần việc của mình".

Nhu cầu dầu mỏ chưa suy yếu đáng kể. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) có trụ sở tại Paris, tiêu thụ dầu đã tăng 1,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2025, mức tăng cao nhất kể từ năm 2023. Tuy nhiên, các nhà phân tích tại IEA và các nơi khác đang hạ dự báo về nhu cầu do dự đoán về sự gián đoạn từ căng thẳng thương mại toàn cầu, vốn đã khiến giá giảm mạnh.

Giá dầu thô Brent đã giảm gần 20% kể từ ngày 3/4, khi Saudi Arabia và các nhà sản xuất khác báo hiệu họ sẽ tăng sản lượng. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) trong mấy ngày qua cũng đã trượt xuống dưới 60 USD/thùng, ngưỡng mà nhiều nhà sản xuất không còn có thể kiếm lời. Các nhà phân tích cho rằng giá có thể giảm sâu hơn nữa. Dưới áp lực như vậy, các nhà sản xuất có chi phí cao hơn, như các nhà khoan dầu đá phiến ở Mỹ vốn đã tăng sản lượng trong những năm gần đây trong khi OPEC hạn chế sản xuất, có thể buộc phải cắt giảm.

Các nhà phân tích tại S&P Global Commodity Insights viết: "Trong trường hợp OPEC+ không thể hoặc sẽ không giảm sản lượng bất cứ lúc nào để hỗ trợ giá, gánh nặng vực dậy giá sẽ thuộc về các nhà sản xuất có chi phí cao hơn khác".

Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), được coi là những người ra quyết định chính trong giới sản xuất dầu mỏ hiện nay, cũng có thể có xu hướng ủng hộ tham vọng của Tổng thống Donald Trump, người dự kiến sẽ sớm thăm Saudi Arabia và các nước Trung Đông khác.

Bà Helima Croft, Giám đốc phụ trách hàng hóa toàn cầu tại Ngân hàng đầu tư RBC Capital Markets, viết trong một ghi chú gần đây gửi khách hàng: Mức giá giảm này "đại diện cho một trong những điểm sáng kinh tế quan trọng nhất" đối với chính quyền ông Trump. Ông Trump đã hứa sẽ giảm chi phí năng lượng, bao gồm cả giá xăng, cho người tiêu dùng.

Thông thường, OPEC+ sẽ phải gấp rút cắt giảm nguồn cung để hỗ trợ thị trường. Rõ ràng, các tính toán đã thay đổi trong một nhóm nhỏ hơn gồm tám thành viên OPEC+, trong đó có Saudi Arabia, Nga và UAE.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục