Tại sao vòng xoáy bất ổn luôn bao trùm châu Phi? (Phần 1)

05:30' - 13/01/2018
BNEWS Châu Phi đang là trung tâm của nhiều cuộc xung đột nhưng chúng ta không thể nói rằng người dân châu Phi “hiếu chiến” hơn những châu lục khác. Vậy tại sao vòng xoáy bạo lực luôn bao trùm lục địa đen?
Trẻ em tại một trại tị nạn ở Dadaab, Kenya ngày 19/12. Ảnh: THX/TTXVN

Để hiểu được vấn đề, cần phải phân tích các cơ sở của việc tái diễn bạo lực, cần mở rộng suy nghĩ và trên hết cần phải thoát ra khỏi ý tưởng rằng châu Phi là “miền đất của tương lai”.

Châu Phi sẽ mãi đói nghèo và bất ổn nếu không giải quyết được những vấn đề cốt lõi của châu lục này. Trang mạng zeit-fragen.ch đã có bài phân tích về nguyên nhân sự bất ổn định kéo dài tại châu Phi.

Cường độ xung đột vũ trang ở châu Phi tăng và giảm theo chu kỳ. Theo các thống kê từ chương trình dữ liệu về xung đột Uppsala và cơ sở Dữ liệu toàn cầu về khủng bố, các cuộc xung đột vũ trang đã ghi nhận mức đỉnh điểm vào năm 1990-1991, thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh, và giảm dần cho đến những năm 2005-2006, ở trạng thái ổn định đến 2010-2011 sau đó lại tăng cao vào năm 2015, nhưng mức độ khốc liệt lần này không thể như giai đoạn 1990-1991. Các chuyên gia nhận định có ít nhất 7 yếu tố là gốc rễ của tình trạng bạo lực tại châu Phi.

1. Sự nghèo đói

Các cuộc xung đột vũ trang trong nội bộ một quốc gia rõ ràng phổ biến ở những nước nghèo hơn là những quốc gia phát triển. Đó không phải vì những người nghèo “bạo lực hơn”, mà là vì các nước nghèo không có khả năng để đảm bảo luật pháp và trật tự.

Ảnh hưởng của đói nghèo càng trở nên trầm trọng hơn dưới tác động của sự bất bình đẳng, như những gì đang xảy ra ở các nước phía Nam châu lục.

Theo dự báo được cập nhật với sự hỗ trợ của hệ thống Dự báo tương lai quốc tế (International Futures Forcasting System), khoảng 37% người châu Phi (khoảng 460 triệu người) đang sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực.

Đến năm 2030, khoảng 32% người châu Phi vẫn có nguy cơ sống trong tình trạng này. Cho dù tỷ trọng giảm (32% so với 37%) nhưng số người trong tình trạng đói nghèo lại tăng cao hơn (gần 90 triệu) vì sự gia tăng dân số.

Do đó, không có gì đảm bảo rằng châu Phi sẽ đạt được cột mốc đầu tiên trong những mục tiêu Phát triển bền vững, đó là chấm dứt tình trạng nghèo đói nếu như tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì như hiện nay, là khoảng 4%/năm.

2. Sự dân chủ “quá trớn” và tình trạng mất dân chủ

Sự dân chủ hoá có thể gây ra bạo lực trong ngắn hạn và trung hạn, đặc biệt là xung quanh các cuộc bầu cử. Các sự kiện diễn ra gần đây tại Kenya là một ví dụ điển hình.

Tại các quốc gia mất dân chủ nghiêm trọng, như ở Bắc Phi thời điểm trước chính biến Mùa xuân Ảrập, tình trạng căng thẳng tích tụ và là nguồn cơn dẫn đến bạo lực. Sự dân chủ không được như kỳ vọng và thấp hơn so với các nước có mức thu nhập và trình độ giáo dục tương đương- thường xuyên dẫn đến sự bất ổn.

Bạo lực cũng được “nuôi dưỡng” từ các động thái và “chiêu trò” của các nhà lãnh đạo đối với các cuộc bầu cử cũng như việc sửa đổi Hiến pháp để kéo dài thời gian tại vị của mình. Các ví dụ điển hình nhất là Burundi, CHDC Congo và Ouganda.

3. Bản chất của chế độ

Bản chất của chế độ chính phủ là một yếu tố thuộc về cấu trúc. Phần lớn các quốc gia ổn định đều có chế độ dân chủ thuần tuý. Còn hầu hết các nước châu Phi là sự kết hợp của chế độ dân chủ và tự trị. Điều đó thể hiện bộ mặt dân chủ nhưng bản chất thì hoàn toàn khác biệt, thậm chí “phản dân chủ”. Và lẽ đương nhiên, những chế độ hỗn hợp thường đi đôi với sự không ổn định./.

(còn tiếp)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục