"Tấm bùa" bảo vệ Tokyo khỏi thủy thần

08:12' - 14/10/2020
BNEWS Ở Tokyo (Nhật Bản), người dân vẫn coi hệ thống đường hầm chống ngập Kasukabe là "ngôi đền Parthenon" - tấm bùa bảo vệ thành phố này và các khu vực lân cận khỏi lũ lụt thảm khốc.

thủ đô Tokyo, Nhật Bản, người dân vẫn gọi và coi hệ thống đường hầm chống ngập Kasukabe được xây dựng tại Saitama ở phía Bắc, là "ngôi đền Parthenon" - tấm bùa bảo vệ thành phố này và các khu vực lân cận khỏi lũ lụt thảm khốc - một nguy cơ mà giới chuyên gia cảnh báo đang ngày một hiện hữu trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày một gia tăng.

Hệ thống này được xây dựng sâu dưới lòng đất, thậm chí tại một số địa điểm của con kênh này còn có thể chứa cả tượng Nữ thần tự do.

Hệ thống gồm những cột trụ lớn, với trọng lượng 500 tấn mỗi cột, để hỗ trợ bể chứa nước chính - được xây bằng bê tông có chiều dài bằng hai sân bóng đá. Hệ thống này có chức năng như một chiếc phễu, giúp đưa lượng nước lớn thoát ra ngoài để bảo vệ một trong những thành phố đông dân nhất thế giới.

Nước từ các trận mưa, lũ được chuyển theo đường hầm dài 6,3 km để đổ ra con sông Edogawa gần đó, với tốc độ mỗi giây xả được lượng nước tương đương như trong một bể bơi dài 25 m.

Được xây dựng vào năm 2006, với chi phí 230 tỷ yen, hệ thống đường hầm chống ngập Kasukabe hoạt động khoảng 7 lần mỗi năm.

Nước sẽ tự động chảy vào hệ thống và sẽ được bơm ra khỏi bể chứa chính khi đủ sức chứa.

Thường từ tháng 6 đến cuối tháng 10 hằng năm, các nhân viên làm việc ở hệ thống này thường duy trì trạng thái cảnh giác cao độ, do đây là mùa mưa, bão tại Nhật Bản.

Nói như người quản lý hệ thống đường hầm chống ngập ở Saitama, ông Nobuyuki Akiyama, thì nếu không có hệ thống này, mưa, bão và thậm chí là cả lượng mưa hằng ngày đổ xuống đã có thể gây thiệt hại, nhấn chìm nhà cửa và đường, phố.

Sự ra đời của hệ thống Kasukabe đã giúp ngăn chặn khoảng 90% công trình tại các khu vực lân cận khỏi sức mạnh của thủy thần. 

Riêng trong tháng 9 năm nay, hệ thống này đã được vận hành 7 lần, với lượng nước được xả ra sông tăng gấp 2 do mùa mưa lũ kéo dài bất thường.

Các nghiên cứu chính thức cho thấy tới nay, hệ thống này đã giúp Nhật Bản tiết kiệm tới 148 tỷ yen tiền khắc phục thảm họa. Khi không vận hành, hệ thống Kasukabe lại mở cửa đón khách tham quan.

Đây cũng được coi là một biện pháp để tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc quản lý thảm họa.

Tại thủ đô Tokyo - thành phố có tới hơn 100 con sông, chính quyền đã xây dựng 10 hồ chứa nước ngầm và 3 đường hầm chống ngập.

Hiện Tokyo vẫn đang xây dựng thêm các hệ thống chống ngập khác. Tại tỉnh Osaka, miền Tây Nhật Bản, một hệ thống chống ngập tương tự như Kasukabe, trị giá 366 tỷ yen (3,5 tỷ USD), cũng đang được xây dựng. Dự kiến, công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2044.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, làm gia tăng tần suất các trận bão lũ, sẽ cần có thêm nhiều hệ thống như Kasukabe. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết trong 40 năm qua, số lượng các cơn bão trong một năm đe dọa thủ đô Tokyo đã tăng tới 1,5 lần.

Lâu nay, các hệ thống chống ngập của Nhật Bản đều được coi là những công trình mang tầm vóc thế giới.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước vẫn chưa thể ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, giới chuyên gia khẳng định các cơ sở hạ tầng trên là chưa đủ. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, chính quyền Nhật Bản đã tăng cường nỗ lực để nhắc người dân sơ tán sớm khi có khuyến cáo./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục