Tâm lý thị trường bất an khiến giá dầu châu Á đi xuống

16:22' - 17/05/2023
BNEWS Phiên chiều 17/5, giá dầu trên thị trường châu Á tiếp đà giảm của phiên trước đó, phản ánh tâm lý lo ngại của các nhà giao dịch và thị trường.

 

Các số liệu kinh tế tháng 4/2023 từ hai đầu tàu kinh tế thế giới đều yếu hơn so với kỳ vọng, trong khi dự trữ dầu thô Mỹ bất ngờ tăng đã khiến thị trường bất an.

Tính đến 13 giờ 57 phút chiều ngày 17/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent Biển Bắc giảm 49 xu Mỹ (0,7%), xuống 74,42 USD/thùng, trong khi dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã giảm 55 xu Mỹ (0,8%), còn 70,84 USD/thùng.

Nhà phân tích tại sàn môi giới hàng hóa OANDA, Edward Moya, nhận định giá dầu thô vẫn trên đà giảm, do các nhà kinh doanh năng lượng không mấy lạc quan về triển vọng nhu cầu toàn cầu, khi hai thị trường tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đều có rủi ro suy thoái.

 

Số liệu thống kê do Viện dầu mỏ Mỹ phát hành cho hay, tính đến ngày 12/5, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng khoảng 3,6 triệu thùng, tạo ra sự bất ngờ cho thị trường khi trước đó bản thăm dò khảo sát bảy nhà phân tích uy tín của hãng tin Reuters nhận định mức dự trữ dầu của Mỹ bị sụt giảm 900.000 thùng. Dự kiến Washington sẽ chính thức công bố dữ liệu dự trữ dầu trong chiều 17/5.

Nhiều ý kiến cho rằng tồn kho dầu thô tăng thêm sẽ làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế Mỹ, khi số liệu về doanh số bán lẻ trong tháng 4/2023 có mức tăng trưởng 0,4%, thấp hơn so với ước tính là 0,8%.

Sự “giằng co” trong đàm phán về trần nợ của Mỹ tiếp tục gây áp lực lên thị trường. Bộ Tài chính Mỹ đã cảnh báo rằng nước này sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ nghiêm trọng nếu Quốc hội không thống nhất dỡ bỏ mức giới hạn trần.

Tại Trung Quốc, tăng trưởng sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng 4/2023 thấp hơn dự báo, cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Á nhiều khả năng đã đánh mất đà tăng trưởng cho quý II/2023.

Nhà phân tích tại công ty CMC Markets, Tina Teng, cho biết tâm lý thị trường trở nên tồi tệ hơn, trong bối cảnh đàm phán trần nợ tại Mỹ bị đình trệ, các số liệu kinh tế không đủ “xua tan” nỗi lo sợ về nguy cơ suy thoái. Những lo ngại này một lần nữa kéo thị trường toàn cầu đi xuống.

Các thị trường đang chờ đợi tuyên bố của Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) liên quan tới việc mở rộng biện pháp trừng phạt đối với Nga khi các nhà lãnh đạo gặp nhau tại Nhật Bản vào ngày 19-21/5./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục