Tầm quan trọng của cơ chế bình ổn giá trên thị trường cà phê quốc tế

06:30' - 04/11/2019
BNEWS Việc thiết lập một cơ chế bình ổn giá quốc tế có thể giúp khắc phục những biến động giá cực đoan và mang lại sự ổn định cần thiết cho nguồn thu nhập của những người nông dân có quy mô sản xuất nhỏ.

Tầm quan trọng của cơ chế bình ổn giá trên thị trường cà phê quốc tế. Ảnh: Phạm Cường-TTXVN

Giá cả hàng hóa luôn có xu hướng biến động dựa trên sự thay đổi cơ bản của cán cân cung cầu. Tuy nhiên, ngày nay thị trường cà phê thế giới phải đối mặt với nhiều yếu tố rủi ro khác đang ngày càng đe dọa sự bền vững, cũng như kế sinh nhai của những người nông dân đang sống phụ thuộc vào ngành này.

Biến động giá cả đã và đang gây ảnh hưởng tiêu cực lên hoạt động sản xuất của những người nông dân có quy mô sản xuất nhỏ, vốn là đặc thù của ngành cà phê thế giới. Hàng triệu người trong số họ đã chịu cảnh khốn khổ khi phải từ bỏ các trang trại và thậm chí là bỏ xứ đi nhập cư bất hợp pháp.

Trước tình hình này, bên cạnh những quan ngại về chất lượng sống của người dân, giới chuyên gia còn tỏ ra lo lắng về sự thiếu hụt nguồn cung đa dạng của cà phê đối với các nhà rang xay và người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc thiết lập một cơ chế bình ổn giá quốc tế có thể giúp khắc phục những biến động giá một cách cực đoan và mang lại sự ổn định cần thiết cho nguồn thu nhập của những người nông dân có quy mô sản xuất nhỏ.

Trên thị trường hiện nay, có ba yếu tố có thể tác động tới sự cân bằng về giá cả trên thị trường cà phê. Thứ nhất, hiện tượng đầu cơ ngày càng gia tăng trên thị trường hàng hóa, đặc biệt là khi các quỹ định lượng bị khuếch đại cả về thời gian lẫn số lượng.

Thứ hai, xuất hiện xu hướng các nước trồng cà phê chủ chốt chiếm lĩnh thị trường. Brazil và Việt Nam là hai nước sản xuất cà phê đang giành được lợi thế từ tay các nhà sản xuất Mỹ Latinh và châu Phi, và có tổng sản lượng chiếm đến hơn 55% thị trường cà phê thế giới.

Yếu tố cuối cùng là những tác động của quá trình biến đổi khí hậu đang được cảm nhận rõ rệt ở các vùng trồng cà phê. Hơn một nửa diện tích trồng cà phê của khu vực Trung Mỹ được cho là sẽ không còn phù hợp để trồng trọt cho đến năm 2050. Trong khi đó, số lượng các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu đang gia tăng, với tác động tiêu cực theo cấp số nhân .

Trong bối cảnh giá cà phê đang ở mức thấp nhất của 15 năm, nhiều giải pháp đã được đưa ra. Trong đó, có một đề xuất nhằm giới hạn tổng số tiền đầu cơ trên thị trường cà phê. Đây không phải là một ý tưởng tồi, song có một sự thật rằng đầu cơ là hoạt động đã cung cấp những khoản thanh khoản thiết yếu cho các sàn giao dịch và sẽ rất khó để các cơ quan quản lý đặt ra một mức giới hạn tổng hợp cho bất kỳ người tham gia nào trên thị trường.

Việc buộc các nhà sản xuất phải tuyên bố công khai khối lượng cà phê mà họ đã mua từ mỗi nơi, cũng như tính bền vững của các nguyên vật liệu, sẽ làm giảm thiểu tính độc quyền của hoạt động sản xuất cà phê, qua đó giúp các nhà sản xuất định hướng được nguồn gốc thích hợp và thúc đẩy ngành công nghiệp theo hướng bền vững.

Tuy nhiên, sự khác biệt về giá không đáng kể của các sản phẩm cà phê được sản xuất theo hướng bền vững và được chứng nhận sẽ không thể làm giảm bớt các vấn đề phát sinh từ biến động giá.

Một đề xuất khác là khuyến khích các công ty cà phê lớn trợ cấp cho những người nông dân đang vật lộn với mức giá cà phê thấp. Hiện nay, có một số tập đoàn lớn đã bắt đầu thực hiện thanh toán bổ sung cho người nông dân trong chuỗi cung ứng của họ.

Tuy nhiên, điều này chỉ có thể cung cấp một khoản bồi thường nhỏ cho một số ít người trồng và trên thực tế, trong một ngành có tính cạnh tranh cao như ngành cà phê, hành động này đi ngược lại với mong muốn của các cổ đông.

Trong bối cảnh đó, một cơ chế bình ổn giá quy mô quốc tế sẽ giúp giảm biến động giá lớn. Sự thất bại của các cơ chế như vậy thường là do mỗi khi cà phê được giao dịch ở mức giá thấp, các khoản trợ cấp sẽ dần xuất hiện, từ đó làm trì hoãn sự suy giảm nguồn cung dẫn đến mức giá cao hơn. Điều này sẽ khiến chu kỳ giá thấp kéo dài cho đến khi các quỹ này cạn kiệt.

Có hai chìa khóa để tránh kịch bản này. Thứ nhất, các quỹ bình ổn giá nên được vận hành dựa trên nguyên tắc được thiết kế để phù hợp với các nguyên tắc kinh tế của cán cân cung cầu. Khi mức giá giao dịch rơi xuống ngưỡng cực thấp, quỹ sẽ trợ cấp cho người nông dân để khuyến khích họ chuyển sang những giống cây mới hơn.

Ở phân khúc giá tầm trung, quỹ này phần lớn sẽ không hoạt động, trừ các khoản đầu tư rủi ro thấp. Ngược lại, ở mức giá cực cao, các nhà điều hành quỹ sẽ thu lại các khoản trợ cấp và chi phí thông qua hệ thống thuế.

Thứ hai, quỹ phải được điều hành như một doanh nghiệp độc lập, bên cạnh sự tham gia hợp tác của nhiều bên liên quan như ngành công nghiệp, quỹ phát triển, ngân hàng thương mại và chính phủ của các nước sản xuất.

Các cuộc thảo luận ban đầu nhằm thừa nhận giá trị của phương pháp này và một nhóm đặc nhiệm do Tổ chức Cà phê Quốc tế đã được thành lập để tiếp tục nghiên cứu về giải pháp, cùng với các giải pháp khác, để giải quyết sự biến động giá cả và mang lại tính bền vững lâu dài.

Bên cạnh việc giải cứu hàng triệu người nông dân khỏi cảnh khốn khó do giá thấp gây ra, quỹ trợ cấp sẽ mang lại nhiều lợi ích lâu dài hơn.

Các sáng kiến tái canh được trợ cấp sẽ tạo ra những giống cây có khả năng thích ứng hơn với điều kiện biến đổi khí hậu, triển vọng thu nhập dự đoán cao hơn sẽ khuyến khích những người nông dân ở thế hệ tiếp theo. Trong khi đó, sự ổn định về giá sẽ tốt cho cả hoạt động tiêu dùng lẫn đầu tư công nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục