Tầm quan trọng của hiệp định tự do thương mại giữa EU-Nhật Bản

05:30' - 09/01/2018
BNEWS Theo trang Tin tức trực tuyến Á-Âu mới đây, với việc ký Hiệp định Tự do Thương mại giữa EU và Nhật Bản (JEFTA), EU và Nhật Bản sắp thành lập khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ảnh: AFP/TTXVN

Thỏa thuận giữa hai nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu, tạo ra gần 30% sản lượng kinh tế toàn cầu, có thể có hiệu lực vào đầu năm 2019. Theo Ủy ban châu Âu (EC) và các viện kinh tế Đức, JEFTA có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đáng kể và tạo ra hàng trăm ngh́n việc làm mới.

Một mặt, hiệp định này nhằm mục đích bù đắp cho sự sụt giảm trên thị trường Mỹ, mặt khác là một phần của chiến lược kiềm chế Trung Quốc, cường quốc mới nổi. Cùng với JEFTA, EU, Nhật Bản và Mỹ tuyên bố họ sẽ cùng nhau gây áp lực mạnh hơn nhằm vào Trung Quốc liên quan đến các vấn đề thương mại.

Đầu tháng 12/2017, Brussels và Tokyo đã thông báo về việc hoàn tất JEFTA mà họ đã thảo luận trong nhiều năm và cho rằng đây là "thỏa thuận lớn nhất và toàn diện nhất" thuộc loại hình này.

Trong một tuyên bố chung ngày 8/12/2017, Chủ tịch EC Jean-Claude JunckerThủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh rằng JEFTA, được đàm phán trong giai đoạn 2013-2017, không chỉ có giá trị kinh tế lớn mà còn có tầm quan trọng chiến lược.

Cả hai bên đã chiến thắng "sự cám dỗ của chủ nghĩa bảo hộ", xu hướng đang được Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy, nhằm mục đích giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ thông qua các rào cản thương mại.

Với JEFTA dự kiến có hiệu lực vào năm 2019, một khu vực thương mại tự do sẽ được thành lập bao gồm 600 triệu dân, trong đó về mặt kinh tế sẽ chiếm gần 30% sản lượng kinh tế toàn cầu.

Hiện nay, kim ngạch thương mại EU-Nhật Bản đạt gần 125 tỷ euro (148,69 tỷ USD). EC và các viện kinh tế của Đức rất lạc quan về tăng trưởng nhanh chóng trong thương mại song phương cũng như việc kích thích thị trường lao động của cả hai bên sau khi ký kết JEFTA.

EC dự kiến sẽ tăng xuất khẩu sang Nhật Bản 20 tỷ euro. Điều này có thể dẫn đến việc tạo ra 280.000 việc làm ở EU. Dựa trên nguồn xuất khẩu dự kiến, Viện Nghiên cứu Kinh tế (IFO) có trụ sở ở Munich dự báo điều đó sẽ góp phần làm tăng trung bình hàng năm 0,7% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức.

Theo các nhà nghiên cứu của IFO, Nhật Bản, trong nhiều thập kỷ phải trải qua sự trì trệ kinh tế, thậm chí có thể hy vọng đạt mức tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm 1,6%. Tuy nhiên, các nhà phê bình xem những dự báo này là quá lạc quan bởi vì nền kinh tế của cả hai khối này đều hướng về xuất khẩu, đặc biệt là muốn đạt được mức thặng dư xuất khẩu lớn nhất có thể.

JEFTA giữa hai nền kinh tế định hướng xuất khẩu sẽ tăng tính cạnh tranh, nhưng không giải quyết được vấn đề thiếu thị trường cho sự thặng dư xuất khẩu của họ. Do xu hướng bảo hộ ngày càng tăng của Mỹ, cả EU lẫn Nhật Bản đều bị đe dọa sẽ mất thị trường quan trọng.

Trên thực tế, JEFTA đã trở nên khả thi thông qua mối đe dọa về sự sụt giảm nghiêm trọng trên thị trường Mỹ. Việc ông Trump rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một động lực quan trọng cho việc hoàn tất đàm phán JEFTA vốn diễn ra chậm chạp.

Chỉ sau khi Washington rút khỏi TPP, Nhật Bản mới hướng tới EU. Khi thỏa thuận này có hiệu lực, 90% tổng số thuế quan còn lại giữa EU và Nhật Bản cần được loại bỏ và sau giai đoạn chuyển tiếp, hầu như tất cả các rào cản thương mại phải bãi bỏ.

Điều này cũng áp dụng đối với xe cơ giới, giúp cho các nhà xuất khẩu EU hy vọng sẽ tiết kiệm được 1 tỷ euro. Đồng thời, các nhà sản xuất ô tô của Đức có thể áp đặt lại thuế quan, nếu các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản quá thành công và "xâm chiếm" thị trường EU.

Tokyo cũng đã đồng ý công nhận một số tiêu chuẩn quốc tế về dược phẩm và các sản phẩm y tế nhằm tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu các sản phẩm của châu Âu. Các công ty của EU có thể tham gia đấu thầu các hồ sơ đấu thầu mua sắm công, ví dụ như trong ngành đường sắt. Ngược lại, thuế bia sẽ được hạ xuống. 

Sự sụt giảm sắp tới trên thị trường Mỹ cũng làm gia tăng áp lực đối với Đức và cả EU trong việc tìm ra các giải pháp thay thế, do đó làm tăng tính cấp bách đối với các hiệp định thương mại tự do mới. Chẳng hạn, ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thúc đẩy một số sáng kiến thương mại tự do với Nam Mỹ, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác.

Bên cạnh mục đích nhằm có thể bù đắp cho bất kỳ sự sụt giảm xuất khẩu nào ở Mỹ, Berlin hy vọng có thể sẽ theo bước đi của Mỹ, thậm chí cả về mặt địa chính trị. Điều này cũng áp dụng cho hiệp định thương mại tự do với Liên minh quốc tế Nam Mỹ Mercosur, vốn đã được lên kế hoạch trong hơn 15 năm, và giống như JEFTA, giờ đây đã có thêm động lực mới. Dự báo, thỏa thuận này có thể đạt được vào năm 2018. 

Trong khi thỏa thuận thương mại tự do với Mercosur nhằm mục đích tăng cường ảnh hưởng của EU trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Mỹ, ý nghĩa chiến lược của JEFTA là kiềm chế và cạnh tranh với Trung Quốc. Berlin muốn gây trở ngại, thậm chí hạn chế, sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc với một loạt hiệp định thương mại tự do trong khu vực địa lý lân cận.

Berlin và Washington đang hợp tác trong chính sách ngăn chặn đối với Bắc Kinh. Bên lề hội nghị lần thứ 11 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gần đây tại Buenos Aires, Mỹ, Nhật Bản và EU đã đồng ý gây áp lực đối với Trung Quốc trong các vấn đề thương mại.

Thông qua hợp tác cùng nhau, họ sẽ "mạnh mẽ hơn" nhằm gây áp lực với Trung Quốc trong vấn đề dư thừa thép hay việc chuyển giao công nghệ bắt buộc, đặc biệt là các công ty Đức sản xuất ở Trung Quốc đã nhiều lần phàn nàn rằng Chính phủ Trung Quốc yêu cầu họ chuyển giao công nghệ.

Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông, phương pháp tiếp cận chung của Mỹ, Nhật Bản và EU là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã chọc giận các quốc gia công nghiệp bằng chính sách hiện đại hóa của họ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục