Tận dụng đầy đủ lợi thế từ các FTA mang lại

11:30' - 08/02/2016
BNEWS Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Cần trang bị kiến thức, soạn thảo chính sách để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức của các FTA toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Quang Vinh cho biết: "Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt về hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam và để tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại mang lại, chúng ta cần phải họp các doanh nghiệp, hiệp hội để đánh giá từng cơ hội, thách thức đối với từng ngành hàng.

Từ đó, hình thành cơ chế chính sách để thúc đẩy nội lực trong nước và biết cách, tìm cách vượt qua thách thức".  

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, năm 2015, Việt Nam đã tích cực ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại FTA. Bước sang năm nay, Việt Nam lại càng hội nhập sâu rộng hơn  và như vậy, kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu vận hành theo cơ chế mới.

Tuy nhiên, khi bước vào hội nhập, chúng ta đang đối mặt 3 thách thức lớn đó là: tự do luân chuyển hàng hóa; tự do luân chuyển đầu tư; tự do luân chuyển lao động có kỹ thuật cao.

Những ngày gần đây, trên mạng đã đăng rất nhiều tuyển dụng tiếp viên hàng không của hãng hàng không tại Việt Nam. Đặc biệt, có sự tham gia ứng tuyển của nhiều lao động các nước như Thái Lan, Myanma, Hàn Quốc và thí sinh các nước này rất ấn tượng và họ sẽ là người trúng tuyển vì họ được đào tạo bài bản, tiếng Anh tốt.

 Hình thành cơ chế chính sách để thúc đẩy nội lực trong hội nhập (phát mùng 8/2).Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Kể từ ngày 1/1/2016, Việt Nam bắt đầu bước chân vào thực hiện FTA với Hàn Quốc. Bên cạnh đó, FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu cũng đã ký kết năm ngoái và chưa kể đến các FTA với Eu hay TPP… sẽ là bước ngoặt trong hội nhập kinh tế của Việt Nam.

Về việc doanh nghiệp cũng như Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào trước hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ, "chúng ta cần có kế hoạch cụ thể hơn, để mỗi doanh nghiệp, người dân hiểu được cơ hội khi các FTA mang lại và chỉ cho họ biết cách tận dụng cơ hội đó; đồng thời, chỉ ra thách thức từng ngành, từng lĩnh vực, vì mỗi ngành đều có thách thức khác nhau".

Theo đó, mỗi lĩnh vực các cơ quan quản lý phải chỉ rõ ngành mình, lĩnh vực mình sẽ có thách thức với từng hiệp định FTA như thế nào và cần phải đánh giá đúng đối thủ của mình. Chẳng hạn như FTA với Hàn Quốc, phía Hàn Quốc, họ mạnh lĩnh vực gì, sẽ tác động ra sao, cơ hội của Việt Nam thế nào, đó là những vấn đề cần rất cụ thể.

Thời gian qua, Việt Nam đã và đang làm được một số vấn đề cơ bản về thông tin tới doanh nghiệp, ngành hàng nhưng điều đó chưa đủ. Do đó, Việt Nam cần phải họp các doanh nghiệp, hiệp hội để bàn bạc. Từ đó, hình thành cơ chế chính sách để thúc đẩy nội lực trong nước, tận dụng được cơ hội mà các hiệp định FTA mang lại và biết cách vượt qua thách thức.

"Thời gian qua, chúng ta đã làm nhiều việc nhưng chưa đủ, nếu chỉ vậy sẽ không tận dụng được đầy đủ lợi thế các FTA mang lại mà còn có thể phải chịu tác động ngược chiều không mong muốn từ các FTA. Tôi thấy trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành phải làm nhiều hơn thế, khi chúng ta còn có thời gian.

Một trong những thách thức FTA lớn nhất, chúng ta phải đối mặt là FTA với Eu và Hiệp định TPP. Vì vậy, cần trang bị kiến thức, soạn thảo chính sách chi tiết để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức của các FTA toàn cầu." - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Liên quan đến việc thu hút FDI thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hỗ trợ như thế nào đối với các nhà đầu tư nước ngoài,  Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho hay, FDI vẫn là thành phần kinh tế quan trọng. Mặc dù, thời gian qua còn nhiều ý kiến cho rằng vẫn thiên về FDI để phát triển mạnh sẽ làm khó cho kinh tế trong nước.

Nhưng thực tế cho thấy, chỉ cần 1 dự án như Samsung Thái Nguyên của các nhà đầu tư nước ngoài Hàn Quốc đã thu hút hơn 200.000 lao động, đây là con số khổng lồ. FDI đang tạo ra việc làm cho 5-7 triệu lao động. Hiện nay, việc làm là quan trọng vì nếu không giải quyết cho hàng triệu lao động với thu nhập bình quân từ 5-10 triệu đồng/tháng sẽ khó ổn định xã hội, kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, thu hút FDI cũng là lo cho dân, cho phát triển đất nước nhưng đồng thời, phải chọn lọc các dự án chất lượng cao và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam mạnh lên.

Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn thực hiện nhiệm vụ vận động thu hút FDI chất lượng cao vào Việt Nam để phát triển kinh tế đất nước và tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn. Đặc biệt, từng bước phát triển doanh nghiệp trong nước để kết nối 2 thành phần doanh nghiệp này nhằm thực hiện mục tiêu chuyển giao công nghệ chất lượng cao./.

       

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục