Tăng chất lượng hàng hóa, tạo sức bật cạnh tranh cho doanh nghiệp

18:04' - 21/12/2020
BNEWS Để có thể cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới về công nghệ, thiết bị, áp dụng các hệ thống quản trị hiện đại...
Chiều 21/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức “Diễn đàn năng suất, chất lượng ngành công thương năm 2020”. Đây là một trong những hoạt động của nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các kết quả triển khai hoạt động cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng của ngành công thương” mà Bộ Công Thương giao cho Tạp chí Công Thương thực hiện.

Với chủ đề “Đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng - Sức bật cạnh tranh cho doanh nghiệp”, diễn đàn năng suất, chất lượng năm nay mang đến một cái nhìn toàn cảnh về kết quả triển khai dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ ưu tiên cho giai đoạn 2021 – 2030.

Cụ thể, dự án nhấn mạnh đến các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngành công thương nâng cao năng suất chất lượng thông qua tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực áp dụng các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý tại doanh nghiệp; đào tạo nâng cao năng lực, giúp doanh nghiệp tổ chức thực hiện các hoạt động cải tiến; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các mô hình điểm; xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng đánh giá cao kết quả triển khai dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp trong giai đoạn qua. Đồng thời, đề nghị các đại biểu của diễn đàn cùng trao đổi, chia sẻ về những kinh nghiệm, sáng kiến để tiếp tục triển khai thành công chương trình trong giai đoạn tới, thúc đẩy phong trào năng suất chất lượng phát triển trong từng doanh nghiệp, từng lĩnh vực cũng như toàn ngành công thương.

Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, nếu nhìn từ phía doanh nghiệp sản xuất có thể thấy nỗ lực cải tiến không ngừng của các doanh nghiệp và những kết quả rất rõ ràng gắn với mục tiêu tăng năng suất, chất lượng cũng như khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp. Điều này thể hiện phong trào năng suất đang dần phát triển và lan tỏa.

Tuy nhiên, nhìn từ yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực của các nhà sản xuất đầu chuỗi, thị trường nhập khẩu lại chỉ rõ những thách thức và đòi hỏi ngày càng lớn hơn và buộc mỗi doanh nghiệp cần một chiến lược tiếp cận chủ động, toàn diện hơn trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào trong nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp đang phải đương đầu với những đối thủ cạnh tranh lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, trình độ quản lý hiện đại.

Vì vậy, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, để có thể cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới về công nghệ, thiết bị, áp dụng các hệ thống quản trị hiện đại, các công cụ cải tiến, mô hình kinh doanh tiến tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp.

Bởi, nâng cao năng suất, chất lượng cũng là vấn đề cốt lõi gắn với quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam. Do đó, để đẩy mạnh các hoạt động cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp công thương nói riêng, cần có sự tham gia vào cuộc của tất cả các đơn vị có liên quan từ cơ quan quản lý, các đơn vị tư vấn hỗ trợ, các Tập đoàn, Tổng Công ty, Hiệp hội và toàn thể cộng đồng doanh nghiệp.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng khẳng định, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh việc báo cáo Thủ tướng Chính phủ và triển khai Chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

Theo đó, các hoạt động hỗ trợ từ phía Bộ Công Thương sẽ tập trung vào nâng cao năng lực thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng của các doanh nghiệp; tiếp tục triển khai việc hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng áp dụng một cách toàn diện các công nghệ quản trị cũng như nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, đặc biệt gắn với việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số; phát triển hệ sinh thái phục vụ hoạt động đổi mới, phát triển sản phẩm, công nghệ cho các doanh nghiệp.

Đối với các Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc Bộ, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu sớm xây dựng và triển khai các kế hoạch, chương trình cụ thể về thúc đẩy cải tiến năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp trong ngành; trong đó, đưa ra được chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể trong thời gian tới liên quan tới vấn đề năng suất, chất lượng từ đó định hướng những ưu tiên về đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình, tới đây Bộ cũng sẽ chủ động phối hợp và hỗ trợ để lồng ghép các hoạt động triển khai một cách phù hợp, đảm bảo hiệu quả trong bối cảnh nguồn lực có hạn.

Tại diễn đàn, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, các chuyên gia và lãnh đạo một số doanh nghiệp đã cùng nhau thảo luận, chia sẻ về những điểm mới trong hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng trong thời gian tới.

Ngoài ra, các diễn giả cũng chỉ ra việc lựa chọn doanh nghiệp, lĩnh vực ưu tiên trong hỗ trợ cải tiến năng suất chất lượng; xu hướng ứng dụng các công cụ quản trị doanh nghiệp hiện nay; ứng dụng công nghệ số trong việc nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; điều kiện để trở thành nhà cung cấp trong chuỗi sản xuất của tập đoàn đa quốc gia; kinh nghiệm tham gia dự án cải tiến năng suất chất lượng…

“Diễn đàn năng suất, chất lượng ngành công thương năm 2020” khép lại với phần trao bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích triển khai dự án trong giai đoạn 2012 – 2020; trao giải thưởng cuộc thi nhóm cải tiến năng suất và chất lượng ngành công thương năm 2020.

Trong khuôn khổ chương trình có hoạt động trưng bày thành tựu kết quả thực hiện dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm ngành công thương và trưng bày giải pháp cải tiến năng suất chất lượng của các mô hình điểm.

Đáng lưu ý, khu vực trưng bày đã khái quát được những dấu ấn của dự án trong gần 10 năm qua. Thông qua các giải pháp, mô hình được sơ đồ hóa, người xem có cái nhìn bao quát hơn về hiệu quả áp dụng cải tiến năng suất chất lượng tại các doanh nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục