Tăng chế tài xử phạt lái xe uống rượu, bia

17:56' - 14/06/2019
BNEWS Chiều 14/6, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi lời chúc mừng các phóng viên, biên tập viên, đội ngũ những người làm báo nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

* Hoàn thành toàn bộ chương trình Kỳ họp

Thông báo kết quả Kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sau 20 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc (giữa) trả lời các phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Theo đó, Quốc hội đã xem xét, thông qua 7 luật, cho ý kiến về 9 dự án luật; giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến các lĩnh vực giao thông vận tải, xây dựng, an ninh trật tự, an toàn xã hội, văn hóa, thể thao và du lịch; xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và nhiều báo cáo quan trọng khác; phê chuẩn nhân sự.

Các luật được Quốc hội thông qua gồm: Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Các Nghị quyết được Quốc hội thông qua gồm: Nghị quyết gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh…

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến gồm: Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi); Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi); Dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; Dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Dự án Luật Thư viện.

Quốc hội đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trong thời gian hai ngày rưỡi. Các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng 4 Bộ: Công an, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác đã tham gia trả lời chất vấn.

Các nhóm vấn đề chất vấn được lựa chọn xác đáng, bám sát thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội. Đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều chất vấn gọn, rõ, thể hiện sự đồng hành, chia sẻ những khó khăn trong quản lý, điều hành của Chính phủ.

Thành viên Chính phủ đã trả lời thẳng thắn, trách nhiệm, đưa ra nhiều cam kết nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập và nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong lĩnh vực phụ trách. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7.

Trên cơ sở kết quả giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Quốc hội ghi nhận những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh các bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trong thời gian tới, nhằm phát huy tối đa giá trị của đất đai trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường.

Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức có liên quan tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết, góp phần phát hiện, kiến nghị xử lý các tồn tại, hạn chế và vi phạm pháp luật.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập một Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Tại kỳ họp cuối năm 2020, Quốc hội sẽ xem xét, chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn tại Kỳ họp.

Tại Kỳ họp, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về việc bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đối với ông Dương Văn Thăng, Thiếu tướng, Quyền Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương.

Quốc hội đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về việc cho thôi chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội và thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Lê Đình Nhường thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, trong đó giao Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tăng chế tài, xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu, bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông; đồng thời quyết định một số vấn đề liên quan đến điều hành ngân sách nhà nước và kế hoạch đầu tư công trung hạn.

* Tăng chế tài xử phạt hành vi lái xe khi đã uống rượu, bia

Tại buổi họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng đại diện một số Ủy ban của Quốc hội đã trả lời nhiều câu hỏi mà báo chí quan tâm.

Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại buổi họp báo. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Giải trình về quy định “đã uống rượu bia thì không được lái xe” lúc đầu xin ý kiến đại biểu Quốc hội không đạt tỷ lệ “quá bán” nhưng hôm nay (14/6) khi lấy ý kiến, tỷ lệ đại biểu Quốc hội tán thành cao (trên 77%), Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lúc đầu Quốc hội xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hình thức biểu quyết điện tử về 2 phương án quy định cấm lái xe khi đã sử dụng rượu, bia trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, phương án 1, Quốc hội thể hiện quan điểm rất mạnh mẽ.

“Phương án 1 khác với Điều 8 của Luật Giao thông Đường bộ. Cụ thể, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ cấm người điều khiển xe ô tô, máy kéo, phương tiện vận tải tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu bia”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ và lý giải “lúc đầu chắc là do các đại biểu Quốc hội chưa hiểu rõ nội dung của quy định này nên tỷ lệ biểu quyết chưa được cao”.

Theo ông Phúc, qua quá trình họp đoàn, họp tổ có trao đổi và giải thích rõ hơn quy định như vậy là muốn tăng nặng hơn hình thức xử lý với vi phạm này.

Sau đó, các đại biểu Quốc hội đã hiểu rõ hơn. Từ cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất đưa quy định “đã uống rượu bia thì không lái xe” vào khoản 6, Điều 5 quy định về các điều cấm trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia.

Hôm nay, khi biểu quyết, Quốc hội đạt được tỷ lệ đồng thuận cao, trên 70%. Sau đó, Luật cũng được thông qua với 84% đại biểu Quốc hội tán thành.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm, trong quá trình thực hiện, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã gửi toàn bộ dự thảo Luật cho Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đã được họ trả lời, tham gia đầy đủ. Bên cạnh đó, Luật này liên quan đến Luật Thương mại, Luật Quảng cáo, Luật Giao thông đường bộ… nên phải tính đến sự đồng bộ.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, lúc đầu, Chính phủ trình theo phương án thực hiện theo Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo tính thống nhất. Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rằng phải quy định cụ thể đã tham gia giao thông thì không uống rượu bia.

Tuy nhiên, qua quá trình lấy ý kiến, đề xuất trên đã không được tiếp thu. Mặc dù vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết tâm rất cao, do đó cơ quan thẩm tra đã đề xuất đưa vào khoản 6, Điều 5 cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông.

Về việc sau khi quy định trên được thông qua thì chế tài xử phạt thế nào, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, trong Nghị quyết của Kỳ họp đã nêu rõ, giao cho Chính phủ khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt hành chính và vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, trong đó tăng chế tài xử phạt nghiêm các trường hợp sử dụng ma túy, rượu bia, chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông.

“Chắc chắn, Chính phủ sẽ sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính để nâng mức xử phạt lên. Điều này thể hiện quyết tâm rất cao của cả Quốc hội, Chính phủ trong vấn đề này”, ông Lợi nhấn mạnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục