Tăng hiệu quả phòng, chống rủi ro với ngân sách nhà nước qua kiểm soát chi

13:20' - 14/07/2021
BNEWS Sáng 14/7, đã diễn ra Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của hệ thống Kho bạc Nhà nước tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, ngành kho bạc phải tăng cường quản lý ngân quỹ, kiểm soát chi để nâng cao hiệu quả phòng chống rủi ro với ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn giao Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước ngay trong tháng 8/2021 xây dựng quy chế, chế độ trách nhiệm, quy trình nghiệp vụ để đến tháng 9 có thể thực hiện đấu giá trái phiếu Chính phủ theo phương thức đơn giản và đa dạng. 

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước cũng phải chấn chỉnh những tồn tại, thách thức của các quỹ nhà nước ngoài ngân sách. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Tài chính trình Chính phủ xây dựng nghị định quy định nguyên tắc, yêu cầu các nội dung cơ bản về thẩm quyền quyết định việc thu chi các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Một nhiệm vụ quan trọng khác của Kho bạc Nhà nước được Thứ  trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhắc tới là ngành phải thực hiện cải cách, hiện đại hoá thủ tục hành chính trong các quy trình nghiệp vụ. Cùng với đó, gắn với cải cách hiện đại hoá và chứng từ điện tử phải cải cách cả hồ sơ, quan hệ giữa đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị dự toán với Kho bạc Nhà nước và Bộ Tài chính để tránh phiền hà cho các đơn vị.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng chỉ đạo, Kho bạc Nhà nước sớm hoàn thiện, trình Bộ và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030 ngay trong năm 2021. Từ đó, làm cơ sở cho việc định hướng, phát triển trong giai đoạn tới.

Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước Nguyễn Đức Chi cho biết, trong 6 tháng cuối năm 2021 và các năm tiếp theo, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các đề án, chính sách theo đúng kế hoạch của Bộ Tài chính đảm bảo yêu cầu về thời hạn, chất lượng và khả thi, đặc biệt là một số đề án quan trọng. Đó là, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước và báo cáo tài chính nhà nước năm 2019; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước…

Hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng sẽ tiếp tục tìm các giải pháp phối hợp thu nhằm tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước và hoàn thành cao nhất dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2021.

Đồng thời, Kho bạc Nhà nước cũng tham mưu với các cấp có thẩm quyền đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; các giải pháp nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng giao dịch. 

Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin với mục tiêu hoàn thành 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để sớm hình thành “kho bạc 3 không”.

Theo bà Trần Thị Huệ, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2021, Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn để tập trung nhanh, hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách.

Cùng đó, cung cấp thông tin số liệu thu ngân sách thường xuyên, liên tục cho các cấp có thẩm quyền, phục vụ điều hành thu ngân sách các cấp.

Kho bạc Nhà nước cũng thực hiện nghiên cứu một số giải pháp nhằm tiếp tục cải cách thu ngân sách nhà nước như: tiếp tục mở rộng địa bàn bắt buộc thanh toán cá nhân qua tài khoản; nghiên cứu xây dựng đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; trình Bộ Tài chính tiếp tục triển khai mở rộng tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại để phối hợp thu và ủy nhiệm thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt. Từ đó, góp phần tập trung nhanh nguồn thu, thanh toán chi trả kịp thời cho ngân sách nhà nước…

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, tính đến hết ngày 30/6, lũy kế thu ngân sách nhà nước trong cân đối đạt 779.482 tỷ đồng, bằng 58,03 % so với dự toán năm 2021.

Về kiểm soát chi, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định. Đặc biệt, ưu tiên kiểm soát thanh toán nhanh, kịp thời kinh phí cho phòng, chống dịch COVID-19.

Hệ thống Kho bạc Nhà nước cũng đã thực hiện kiểm soát khoảng 419.008 tỷ đồng, bằng 39,4% dự toán chi thường xuyên của ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

Đáng chú ý, trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công chậm, tồn ngân quỹ nhà nước cao, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ cơ bản đáp ứng nguồn thanh toán nợ gốc đến hạn của ngân sách Trung ương.

Tính đến ngày 30/6, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 141.493 tỷ đồng, đạt 40,4% kế hoạch năm Bộ Tài chính giao./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục