Tăng lãi suất để giảm lạm phát - "canh bạc mạo hiểm"

06:30' - 09/10/2022
BNEWS Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) vừa lên tiếng cảnh báo các động thái chính sách tài khóa và tiền tệ có nguy cơ đẩy thế giới tới suy thoái toàn cầu và trì trệ kéo dài.

Theo tạp chí Eurasia Review, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã vừa lên tiếng cảnh báo các động thái chính sách tài khóa và tiền tệ ở các nền kinh tế tiên tiến có nguy cơ đẩy thế giới tới suy thoái toàn cầu và trì trệ kéo dài, gây thiệt hại nặng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cú sốc đại dịch COVID-19 vào năm 2020.

Trong Báo cáo Thương mại và Phát triển 2022, UNCTAD nhận định, việc tăng lãi suất nhanh chóng và thắt chặt tài khóa ở các nền kinh tế tiên tiến kết hợp với các cuộc khủng hoảng khác do dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy nhanh quá trình suy thoái toàn cầu và việc “hạ cánh mềm” khó có thể xảy ra.

Trong khoảng một thập kỷ thực hiện chính sách lãi suất cực thấp, các ngân hàng trung ương liên tục rơi vào tình trạng không đáp ứng các mục tiêu lạm phát và không thể tạo ra tăng trưởng kinh tế lành mạnh hơn. Báo cáo cho thấy, bất kỳ niềm tin nào cho rằng họ sẽ có thể hạ giá bằng cách dựa vào lãi suất cao hơn mà không tạo ra suy thoái kinh tế là một canh bạc mạo hiểm.

Vào thời điểm tiền lương thực tế giảm, thắt chặt tài khóa, bất ổn tài chính và không có đủ sự hỗ trợ và hợp tác đa phương, thắt chặt tiền tệ quá mức có thể mở ra một thời kỳ trì trệ và bất ổn kinh tế cho nhiều nước đang phát triển và một số nước phát triển. Báo cáo cảnh báo việc tăng lãi suất trong năm nay của Mỹ sẽ cắt giảm khoảng 3.600 tỷ USD thu nhập trong tương lai của các nước đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, và thậm chí còn nhiều rắc rối hơn ở phía trước.

Sự suy giảm đồng bộ của nền kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả các khu vực

UNCTAD dự kiến kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,5% vào năm 2022. Tuy nhiên, triển vọng đang trở nên tồi tệ hơn, với tăng trưởng vào năm 2023 dự kiến sẽ giảm tốc hơn nữa, còn 2,2%, khiến GDP thực tế vẫn dưới xu hướng trước đại dịch vào cuối năm tới. Mức thiếu hụt tích lũy hơn 17.000 tỷ USD – chiếm gần 20% thu nhập của thế giới .

Sự suy giảm đồng bộ đang ảnh hưởng đến tất cả các khu vực. Đặc biệt, hồi chuông cảnh báo đã gióng lên cho các nước đang phát triển, nơi tốc độ tăng trưởng trung bình được dự báo sẽ giảm xuống dưới 3% - con số không đủ cho sự phát triển bền vững.

Một số quốc gia có thu nhập trung bình ở Mỹ Latinh cũng như quốc gia có thu nhập thấp ở châu Phi có thể ghi nhận sự suy giảm mạnh nhất trong năm nay. Báo cáo lưu ý rằng các quốc gia có dấu hiệu lâm vào cảnh túng quẫn trước đại dịch COVID-19 đang hứng chịu một số ảnh hưởng lớn nhất gồm Zambia, Suriname, Sri Lanka…

Giải quyết tình trạng đáng báo động về nợ nần và đầu tư dưới mức

Báo cáo cho biết, dòng vốn đang chảy ra khỏi các nước đang phát triển do điều kiện tài chính xấu đi kể từ quý cuối năm 2021. Trên thực tế, các nước đang phát triển hiện đang tài trợ cho các nước phát triển.

Khoảng 90 quốc gia đang phát triển đã chứng kiến đồng tiền của họ suy yếu so với đồng USD trong năm nay - hơn 1/3 trong số đó giảm hơn 10%. Dự trữ ngoại hối đang giảm và chênh lệch lợi suất trái phiếu ngày càng mở rộng, với số lượng ngày càng tăng các trái phiếu chính phủ ghi nhận lợi suất cao hơn 10 điểm phần trăm so với trái phiếu kho bạc Mỹ.

Hiện tại, 46 quốc gia đang phát triển đang phải hứng chịu nhiều cú sốc kinh tế và 48 quốc gia khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ toàn cầu.

Báo cáo kết luận tình hình ở các nước đang phát triển còn khó khăn hơn nhiều so với những gì mà hội nghị Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các diễn đàn tài chính quốc tế khác đề cập.

Các nước đang phát triển đã chi khoảng 379 tỷ USD dự trữ để bảo vệ đồng tiền của họ trong năm nay, gần gấp đôi số Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) mới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cấp cho họ, và cũng đã chịu tác động đáng kể từ việc tháo chạy vốn.

UNCTAD kêu gọi tăng cường Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA), sử dụng SDR lớn hơn, lâu dài hơn và công bằng hơn, các cơ chế phòng ngừa rủi ro để đối phó với sự biến động của tỷ giá hối đoái và tận dụng nhiều hơn nguồn vốn đa phương để hỗ trợ các nước đang phát triển với các chương trình xã hội toàn diện. Ngoài ra, các nước cũng cần ưu tiên những tiến bộ về khuôn khổ pháp lý đa phương để xử lý tái cơ cấu nợ, bao gồm tất cả các chủ nợ chính thức và tư nhân.

Báo cáo khuyến nghị một chương trình cải cách ở các nền kinh tế đang phát triển để thúc đẩy đầu tư hiệu quả và hạn chế dòng vốn di chuyển để lợi dụng các lỗ hổng thuế, cùng với các thỏa thuận mới để hỗ trợ các mối quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính trong khu vực chặt chẽ hơn.

Cần phải xem xét lại chính sách thắt chặt tiền tệ

So với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 gây lạm phát nhiều cho các nền kinh tế tiên tiến hơn là cho các nước đang phát triển, nơi tỷ lệ lạm phát cao hơn về mặt cơ cấu.

Ở các nước phát triển, lạm phát chủ yếu được thúc đẩy bởi giá hàng hóa - đặc biệt là năng lượng - và những tắc nghẽn dai dẳng trong chuỗi cung ứng, bắt nguồn từ việc đầu tư không đủ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lạm phát không bao gồm năng lượng thấp hơn đáng kể so với lạm phát giá tiêu dùng.

Ở nhiều nước đang phát triển, lạm phát chủ yếu do giá năng lượng và đồng tiền mất giá, khiến hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn. Các tập đoàn đa quốc gia lớn với sức mạnh thị trường đáng kể dường như đã tận dụng lợi thế của bối cảnh hiện tại, tăng giá để tăng lợi nhuận.

Trong hoàn cảnh này, báo cáo cho biết, việc quay trở lại những năm 1970 hoặc những thập kỷ sau đó được đánh dấu bằng các chính sách "thắt lưng buộc bụng" để đối phó với những thách thức ngày nay là một canh bạc nguy hiểm.

Với lạm phát đã bắt đầu giảm bớt ở các nền kinh tế tiên tiến, UNCTAD kêu gọi điều chỉnh hướng đi theo hướng ủng hộ các biện pháp chính sách nhắm trực tiếp vào mức tăng giá đột biến trong năng lượng, thực phẩm và các lĩnh vực quan trọng khác.

Chấm dứt đầu cơ giá hàng hóa

Giá cả hàng hóa tăng cao trong hai năm qua, với thực phẩm và năng lượng đắt hơn, đặt ra những thách thức đáng kể cho các hộ gia đình ở khắp mọi nơi. Áp lực từ việc tăng giá phân bón đồng nghĩa với việc thiệt hại có thể kéo dài.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng này nhưng các thị trường hàng hóa đã ở trong tình trạng hỗn loạn trong một thập kỷ. Theo báo cáo, các nước vẫn chưa chú ý đầy đủ đến vai trò của các nhà đầu cơ và sự cá cược điên cuồng vào các hợp đồng tương lai, hoán đổi hàng hóa và các quỹ giao dịch hối đoái.

Báo cáo vạch ra các quy định tốt hơn và chính sách thuế kết hợp mà các chính phủ nên triển khai để hạn chế mức tăng giá đột biến gây khó khăn cho người tiêu dùng ở các nước đang phát triển, đẩy hàng trăm triệu người trở lại tình trạng cùng cực nghèo đói trong khi các tập đoàn gặt hái lợi nhuận kỷ lục.

Giành lại tương lai

Theo báo cáo, nhiều cuộc khủng hoảng mà nền kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt có mối liên hệ với nhau bởi một chương trình nghị sự chính sách vốn đã không thực hiện được những cam kết chính là mang lại sự ổn định kinh tế và thúc đẩy đầu tư hiệu quả.

Với các tín hiệu cảnh báo nhấp nháy trên một loạt chỉ số kinh tế và môi trường, việc giành lại tương lai bằng các chính sách đổi mới, đầy tham vọng, ý chí chính trị và sự hỗ trợ của khu vực tư nhân và khu vực công là điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu phát triển đầy tham vọng. Báo cáo đưa ra chiến lược tăng cường hợp tác giữa các nước đang phát triển, cùng với những cải cách đối với cấu trúc đa phương, có thể giúp chuyển hướng nền kinh tế toàn cầu theo hướng đúng đắn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục