Tăng năng lực thích ứng cho hợp tác xã trong bối cảnh mới

14:22' - 24/03/2021
BNEWS Biến đổi khí hậu và dịch COVID-19 tác động không nhỏ tới khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, thiệt hại nghiêm trọng đến doanh thu và lợi nhuận.

Nhằm làm rõ hơn tác động của dịch COVID-19 tới khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tại Việt Nam cũng như đánh giá thực trạng tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước với hợp tác xã, sáng 24/3, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức Diễn đàn “Thực trạng tiếp cận chính sách và giải pháp nâng cao năng lực thích ứng cho hợp tác xã trong bối cảnh mới”.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Bảo-Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh, thời gian qua, biến đổi khí hậu và dịch COVID-19 đã tác động tới hoạt động của phần lớn doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội; trong đó, có khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã dẫn đến tình trạng gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại nghiêm trọng đến doanh thu và lợi nhuận.

Mặc dù Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chính sách không quy định hợp tác xã thuộc phạm vi điều chỉnh hoặc thuộc diện điều chỉnh nhưng không ít hợp tác xã vẫn gặp nhiều hạn chế trong việc tiếp cận và thụ hưởng.  

Vì vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, diễn đàn là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách và đại diện khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trao đổi về thực trạng tiếp cận chính sách của các hợp tác xã trước biến đổi khí hậu và dịch bệnh cũng như bàn luận về giải pháp để hợp tác xã phục hồi xanh và bền vững sau dịch COVID-19…

Trình bày Báo cáo nghiên cứu “Tác động và ứng phó đại dịch COVID-19 - Thực trạng tiếp cận chính sách của khu vực hợp tác xã Việt Nam” do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và UNDP phối hợp thực hiện, PGS.TS. Phạm Thị Hồng Yến - Trưởng ban Hợp tác quốc tế (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cho hay, dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng đến hợp tác xã, với mức độ đánh giá bình quân 3,84/5 (5 là mức tác động nghiêm trọng nhất).

Đáng lưu ý, hợp tác xã thuộc lĩnh vực du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với mức độ đánh giá nghiêm trọng gần như tuyệt đối (4,83/5); các hợp tác xã vận tải với mức đánh giá nghiêm trọng ở mức 4,4/5; hợp tác xã nông nghiệp ít thiệt hại hơn.

Thống kê từ 9 tháng năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 có tới 82,2% số hợp tác xã bị giảm doanh thu lợi nhuận của hợp tác xã cũng bị sụt giảm đáng kể….

Để có thể thích nghi với những tác động của dịch COVID-19, theo bà Phạm Thị Hồng Yến các hợp tác xã cũng tự tìm những giải pháp nâng cao năng lực chống chịu và giảm thiểu thiệt hại.

Nghiên cứu ghi nhận, có 76,8% số hợp tác xã tham gia khảo sát đã áp dụng số hóa để trao đổi thông tin, tổ chức họp và ra quyết định tập thể; 37,4% hợp tác xã sử dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, tuyên truyền; 35,6% hợp tác xã hỗ trợ thành viên, người lao động các phương tiện bảo hộ cá nhân….

Đưa ra đề xuất kiến nghị với cơ quan chức năng, PGS.TS. Phạm Thị Hồng Yến cho rằng, trong ngắn hạn, Chính phủ ban hành và xác định rõ hợp tác xã là đối tượng được thụ hưởng chính sách. Đồng thời, sửa đổi các quy định hiện hành về điều kiện thụ hưởng chính sách với hợp tác xã một cách linh hoạt và phù hợp với thực tiễn cũng như chỉ đạo việc thực hiện kịp thời, đúng thời điểm là giai đoạn khó khăn và cần thiết với hợp tác xã.

Về dài hạn, chú trọng các giải pháp và chính sách về hỗ trợ tài chính và phát triển chuyên môn, kỹ năng, tay nghề lao động. Các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển hợp tác xã cần bám sát thực tế và phù hợp với đặc điểm riêng, mong muốn thiết thực, thực tế hoạt động, trình độ nắm bắt và khả năng thụ hưởng.

Đặc biệt, việc tuyên truyền và tư vấn chính sách cho hợp tác xã cần được đẩy mạnh và không bỏ sót những đối tượng thực sự cần được hỗ trợ; cơ chế thực thi các chính sách với hợp tác xã cần đơn giản, rõ ràng, dễ tiếp cận và dễ thực hiện.

Ông Trần An Định, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hòa Bình chia sẻ, đa phần hợp tác xã khi thành lập mới chỉ đáp ứng yêu cầu số thành viên tối thiếu là 7, quá trình hoạt động kết nạp thêm thành viên, song đánh giá sơ bộ số hợp tác xã quy mô siêu nhỏ (dưới 50 thành viên) chiếm tỷ trọng rất lớn trên 80%.

Hơn nữa, đất đai, nhà xưởng của hợp tác xã còn khiêm tốn, đa phần hợp tác xã có đất đai tương đương 5-10 lần của hộ cá thể trung bình nên khả năng tạo hàng hóa thấp. Chưa kể tình trạng nhiều hợp tác xã, các thành viên có quan hệ huyết thống dẫn đến khả năng quy tụ đất đai, nguồn vốn từ các hộ cá thể phục vụ sản xuất thấp....

Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ tại các hợp tác xã chủ yếu là công nghệ truyền thống, có hàm lượng khoa học thấp. Cùng đó, ruộng đất manh mún, bờ lắm, thửa nhiều dẫn đến khó áp dụng cơ giới và tự động hóa trong sản xuất, khó quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Theo ông Trần An Định, để các hợp tác xã thích ứng với biến đổi khí hậu, tới đây cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ thiên tai và dịch bệnh; xây dựng và tuyên truyền, phổ biến kịch bản biến đổi khí hậu, thiết lập bản đồ các dạng rủi ro thiên tai để có chiến lược, kế hoạch dài hạn ứng phó.

Thêm vào đó, các tổ chức kinh tế tập thể nâng cao khả năng tiếp cận và phân tích thông tin từ cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm cơ sở lựa chọn phương án sản xuất kinh doanh, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin, lựa chọn công nghệ sản xuất mới.

Ông Trần An Định khuyến cáo việc lựa chọn cơ cấu, chủng loại giống cây trồng, vật nuôi, công nghệ sản xuất thích ứng với xu thể biến đổi khí hậu như sử dụng giống chịu hạn, giống kháng bệnh, canh tác luân canh, hạn chế sử dụng phân vô cơ, chất kích thích sinh trưởng mà hướng tới nâng cao sức khỏe đất và cây trồng thông qua sử dụng phân hữu cơ, sử dụng thiên địch trong phòng trừ bệnh.

Mặt khác, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên vật liệu đầu vào thông qua nông lâm kết hợp, cơ cấu đa canh, chuỗi tuần hoàn thức ăn hướng đến hạn chế tối đa chất thải ra môi trường.

Đặc biệt, các hợp tác xã cần liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ tạo thành chuỗi cung ứng. Riêng với sản xuất sản phẩm tươi sống ngắn ngày như gia cầm, rau, củ quả cần khuyến cáo không sản xuất tự phát dẫn đến cung vượt quá cầu, được mùa rớt giá; nâng cao giá trị sản phẩm bản địa nhất là sản phẩm OCOP thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, sản xuất theo quy chuẩn, quy trình an toàn dịch bệnh, tiêu chuẩn GAP, định danh vùng trồng, chính danh hóa nhà sản xuất. Qua đó, vừa khai thác được lợi thế, tiềm năng vùng miền, vừa khai thác được lợi thế thích ứng của cây trồng vật nuôi tại địa phương./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục