Tăng năng suất lao động để tận dụng "cơ hội dân số vàng"

14:48' - 23/11/2015
BNEWS Theo PGS. TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Trường ĐH KTQD, tăng năng suất lao động là yếu tố sống còn tới tăng trưởng kinh tế
Dân số trẻ đang tạo ra các lợi thế về năng suất lao động cho Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hùng/ TTXVN
Qua phân tích cho thấy ngành nào có tỷ lệ lao động trẻ cao thì có lợi thế về tăng năng suất lao động và phát triển kinh tế. Do vậy, các nhóm lao động này cần phải có kỹ năng, trình độ chuyên môn ngày càng được cải thiện thì sẽ có tăng trưởng, ngay cả khi hội nhập và cạnh tranh quốc tế ngày càng sâu, rộng". Đó là nhận định của PGS. TS. Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, tại Hội nghị công bố báo cáo nghiên cứu “Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức ngày 23/11, tại Hà Nội.

Cũng theo PGS. TS. Giang Thanh Long, đồng thời là Trưởng nhóm nghiên cứu "Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam và các đề xuất chính sách" tăng năng suất lao động luôn là yếu tố sống còn tới tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, hiện chúng ta mới chỉ đào tạo theo những gì mình có mà chưa đào tạo những gì thị trường cần.

Báo cáo nghiên cứu cho hay, trong suốt giai đoạn từ 2012 đến năm 2040, nhóm những người trong độ tuổi 23-53 luôn có thặng dư, vì họ có thu nhập cao hơn tiêu dùng. Tuy nhiên, ở nhóm tuổi ngoài lao động từ 0-22 và đặc biệt là nhóm trên 53 tuổi, lại có sự thâm hụt tăng dần, do quá trình già hóa dân số sẽ diễn ra sau đó.

Trong năm 2012, nhóm ngoài 53 tuổi có mức thâm hụt hơn 212.000 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2040, nhóm này được dự báo tạo thâm hụt gần 600.000 tỷ đồng (tăng gần 3 lần so với năm 2012). Trong khi đó, nhóm ở độ tuổi lao động vẫn giữ giá trị thặng dư hơn 650.000 tỷ đồng…

Điều này cho thấy, trong những năm tới, với cơ cấu tuổi tính đến năm 2049, thì thâm hụt sau này của nền kinh tế chủ yếu do thâm hụt của người cao tuổi; và sẽ rất đáng lo ngại nếu nhóm trong độ tuổi lao động 23-53 không tạo ra thêm nhiều giá trị thặng dư.

Do vậy, PGS. TS. Giang Thanh Long cũng kiến nghị, ngoài việc phải tăng năng suất lao động ở nhóm tuổi 23-53 để tăng giá trị thặng dư thì trong tương lai, cũng cần phải có các chính sách phù hợp để tận dụng lao động lớn tuổi vẫn có khả năng lao động, góp phần giảm “thâm hụt”, tạo thế hệ người cao tuổi năng động và hệ thống y tế cũng cần thay đổi để phù hợp với dân số già.

Ngoài ra, yếu tố về thể chế, cơ chế chính sách cho phát triển, chuyển dịch lao động để tận dụng cơ hội dân số vàng cũng rất quan trọng để hiện thực hoá các mục tiêu trên.

Cùng quan điểm trên, bà Ritsu Nacken, Quyền trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho hay, thời kỳ dân số vàng là cơ hội có một không hai dành cho Việt Nam. Thế hệ trẻ đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng của Việt Nam bởi họ chiếm tỷ lệ ngày càng tăng trong lực lượng lao động, cả hiện tại và tương lai.

“Tăng năng suất lao động và tạo việc làm cho các nhóm tuổi lao động phải được coi là định hướng quan trọng để tận dụng những tác động tích cực của biến động cơ cấu tuổi dân số đối với tăng trưởng kinh tế, nhằm phát huy tối đa tiềm năng giai đoạn dân số vàng”, bà Ritsu Nacken nói.

PGS. TS. Đỗ Văn Thành, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng, một trong những giải pháp để tận dụng dân số vàng là định hướng phát triển ngành nghề thế mạnh, cung cấp thông tin về thị trường lao động có tính dài hơi 10-20 năm, để từ đó, các trường đào tạo thực hiện tốt chức năng của mình, tạo ra thế hệ lao động chất lượng, có năng suất cao hơn…

Theo quan điểm nhân khẩu học, một nước được coi là có cơ hội "dân số vàng" khi tỷ lệ trẻ em (0-14 tuổi) ít hơn 30% và tỷ lệ người cao tuổi (từ 65% trở lên thấp hơn 15%). Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng với đặc trưng là số người trong độ tuổi lao động (từ 15 -64 tuổi) lớn hơn gấp 2 lần số người phụ thuộc (gồm trẻ dưới 15 và người cao tuổi trên 65). /.

Đức Dũng/BNEWS-TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục