Tăng năng suất lao động - Động lực cho sự phát triển bền vững

10:19' - 15/08/2018
BNEWS Năng suất lao động là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự phát triển bền vững của hầu hết các nền kinh tế trên toàn cầu.

Trong một nền kinh tế thế giới đầy cạnh tranh hiện nay, sự trì trệ của năng suất lao động là một mối quan ngại hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách.

Lao động làm việc tại một nhà máy ở Singapore. Ảnh: Reuters

Thực trạng hiện nay

Theo nhà kinh tế Sian Fenner của Oxford Economics, mức tăng năng suất lao động ở đa số các nước châu Á sẽ vượt hầu hết các nền kinh tế khác trên thế giới trong thập niên tới.

Năng suất lao động của châu Á, không tính Nhật Bản, tăng 5,4% trong năm 2017, không đổi so với năm 2016. Tuy vậy, nếu không tính Ấn Độ và Trung Quốc, năng suất lao động của châu Á tăng 2,3% năm 2017, cao hơn mức tăng trung bình 2,6% năm 2016.

Trung Quốc có mức tăng năng suất lao động 6,7% năm 2017, nhỉnh hơn mức tăng 6,5% năm 2016. Còn Ấn Độ là một ngoại lệ khi các nhân tố tạm thời đã tác động tới GDP, từ đó ảnh hưởng tới tăng trưởng năng suất lao động.

Tăng trưởng năng suất lao động có tính chu kỳ và thường có xu hướng gia tăng khi GDP tăng trưởng mạnh hơn. Dù vậy, trong khi kinh tế châu Á tương đối “sôi động” trong năm 2017 thì năng suất lao động của châu lục này đã tăng chậm lại còn 6,1% trong giai đoạn 2008-2017, so với mức 7,1% trong giai đoạn 10 năm trước khi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 xảy ra.

Trong khi đó, với dân số hơn 630 triệu người, trong đó 60% ở độ tuổi dưới 30, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) đã có khoảng 100 triệu người gia nhập lực lượng lao động trong hai thập niên qua và xu hướng này sẽ tiếp diễn trong trung hạn với nhịp độ chậm hơn so với trước đó.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự đoán đến năm 2030, khoảng 59 triệu người sẽ tham gia lực lượng lao động của ASEAN, đưa con số này lên 175 triệu người. Điều này có nghĩa là ASEAN sẽ tiếp tục sở hữu lực lượng lao động lớn thứ ba thế giới, chiếm 10% lực lượng lao động của toàn thế giới vào năm 2030, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Các nền kinh tế phát triển hơn trong ASEAN như Singapore và Brunei có hệ thống cơ sở hạ tầng và thể chế hiện đại song vì có dân số già hơn so với các nước thành viên khác của Hiệp hội nên sẽ phải tăng cường tiếp nhận và sử dụng các công nghệ tiên tiến để ứng phó tình trạng năng suất lao động “giảm tốc”.

Ngược lại, các nền kinh tế mới nổi như Campuchia, Myanmar và Lào với môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng tương đối kém hơn thì cần phải nỗ lực để cải thiện năng suất lao động nhằm duy trì sức cạnh tranh.

Nguyên nhân chính dẫn tới sự giảm tốc tăng trưởng năng suất lao động ở hầu hết các nước châu Á trong thập niên qua là đầu tư sụt giảm. Điều này thể hiện rõ ràng hơn ở các nền kinh tế phát triển ở châu Á, cho thấy sự phụ thuộc lớn vào xuất khẩu.

Dự đoán, triển vọng lợi nhuận từ hoạt động đầu tư kém hấp dẫn ở hầu hết các nước châu Á (ngoại trừ Philippines) sẽ dẫn tới mức tăng trưởng đầu tư vừa phải trong thập niên tới.

Tại Trung Quốc, đầu tư dự kiến tiếp tục giảm tốc cho thấy những nỗ lực tái cân bằng nền kinh tế và giảm bớt tình trạng dư cung trong một số lĩnh vực của nước này. Đầu tư cố định của Trung Quốc ở mức khoảng 42% GDP trong năm 2017, thấp hơn so với mức đỉnh 45% GDP năm 2013.

Trong khi đó, các biện pháp cải cách và môi trường kinh doanh cải thiện báo hiệu triển vọng đầu tư tích cực cho Ấn Độ trong thời gian tới. Tuy vậy, tăng trưởng đầu tư đạt mức hai con số như thời điểm giữa thập niên 2000 là điều khó có thể xảy ra.

Dự đoán, đầu tư ở châu Á (không tính Trung Quốc và Ấn Độ) sẽ tăng trưởng trung bình 3,9%/năm trong giai đoạn 2018-2027, thấp hơn mức tăng 4,8%/năm trong giai đoạn 2008-2017.

Tuy vậy, cũng có những trường hợp ngoại lệ. Tăng trưởng đầu tư mạnh hơn ở Philippines (Phi-líp-pin) và Indonesia, nhờ chi tiêu chính phủ cao hơn vào cơ sở hạ tầng và vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào các nước tăng mạnh. Tỷ lệ vốn đầu tư tính trên GDP của Philippines và Indonesia đã tăng lên 25% và 32% trong năm 2017, cao hơn 5 điểm phần trăm so với năm 2007.

Giải pháp then chốt

Trong thập niên tới, năng suất lao động trên toàn châu Á sẽ được thúc đẩy bởi các yếu tố mang tính chu kỳ nhất định. Cho dù đối mặt những nguy cơ đến từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang nổi lên, tăng trưởng thương mại thế giới trong thời gian tới dự kiến sẽ “sáng hơn” so với một thập niên vừa qua, và xuất khẩu có tác động lan tỏa quan trọng đối với các nền kinh tế châu Á.

Dự kiến, trong 10 năm tới, năng suất lao động của châu Á sẽ tiếp tục tăng ở mức vừa phải, trung bình 4%/năm. Năng suất lao động ở các nền kinh tế kém phát triển hơn ở châu Á sẽ cao hơn các nền kinh tế phát triển hơn trong khu vực, mặc dù kém hơn mức tương ứng của giai đoạn 20 năm trước đó.

Ví dụ, tăng trưởng năng suất lao động ở Trung Quốc và Ấn Độ sẽ cao hơn phần còn lại của châu Á trong thập niên tới, cho dù chậm lại còn 4,6% và 4,3%.

Hai nhà khoa học kỳ cựu Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee của Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) dự đoán những tiến bộ về công nghệ sẽ là yếu tố chính giúp tăng năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Trong khi đó, theo một báo cáo của công ty tư vấn McKinsey & Co., các công nghệ kỹ thuật số đột phá có thể giúp các nước Đông Nam Á thực sự trở thành “công xưởng của thế giới”, thu được những lợi ích từ việc cải thiện năng suất lao động (như sản lượng và doanh thu gia tăng) có giá trị lên 216-627 tỷ USD.

Theo giới phân tích, các nước cần có các chính sách hỗ trợ đối với hoạt động nhập khẩu công nghệ, nhất là với khu vực tư nhân vì thực tế minh chứng việc nhập khẩu công nghệ của khu vực tư nhân hiệu quả hơn so với khu vực quốc doanh vì họ sử dụng nguồn vốn tự có (thường là khá hạn hẹp) nên nghiên cứu rất kỹ lưỡng để lựa chọn công nghệ thích hợp và đạt tối đa hiệu quả sử dụng.

Ngoài ra, từ kinh nghiệm học hỏi của Nhật Bản, các nước có thể thành lập các ngân hàng hay quỹ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp tư nhân nhập khẩu công nghệ và phát minh, sáng chế để đưa vào ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, các nước cũng cần tăng cường thu hút các dòng vốn đầu tư, trong đó có vốn đầu tư trực tiếp (FDI) vào các dự án tạo ra năng suất lao động cao, có tính lan tỏa đến nền kinh tế, tăng cường liên kết doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI để nâng cao năng suất lao động, tiếp cận giá trị toàn cầu.

Như vậy, chính phủ các nước cần đưa ra những chính sách hỗ trợ hiệu quả, lựa chọn lĩnh vực, đối tượng ưu tiên, cũng như thẩm định kỹ lưỡng các dự án vay vốn. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách và đội ngũ thực hiện chính sách phải có năng lực tốt cũng như không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn để đáp ứng được các yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

>>>Nâng cao năng suất lao động, đòn bẩy để tăng trưởng kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục