Tăng nguồn nhân lực cho kênh bán lẻ phục vụ giãn cách xã hội

17:03' - 01/09/2021
BNEWS Tp. Hồ Chí Minh có khoảng 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn không ngừng nỗ lực cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến người dân trên địa bàn thành phố.

Ngày 1/9, ghi nhận tại thị trường Tp. Hồ Chí Minh, nhiều thương hiệu bán lẻ hiện đại đã ổn định hoạt động kinh doanh và vận hành chuỗi bán lẻ thích ứng với yêu cầu thực hiện quy định về giãn cách xã hội. Một số nhà bán lẻ còn được các sở, ngành hỗ trợ tăng cường nhân lực phục vụ người dân và cải thiện năng lực trả đơn hàng cho người mua trong thời gian sớm nhất có thể.

Điển hình, hệ thống bán lẻ thuộc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV Satra không chỉ tăng cường nguồn nhân lực tại điểm bán, mà còn vừa đưa vào hoạt động thêm 16 cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods;

Đồng thời, tăng cường nguồn nhân lực tại những điểm sơ chế rau củ, quả của công ty quản lý và kinh doanh chợ Bình Điền, cũng như hệ thống siêu thị, nhằm kịp thời phục vụ nhu cầu tăng cao của người dân trong những ngày “ai ở đâu ở yên đó”.

Khảo sát tại mạng lưới điểm sơ chế Phan Văn Trị và các quận như Bình Thạnh, Thống Nhất, Gò Vấp đã tăng cường nhân sự gấp 4 lần so với trước giai đoạn giãn cách xã hội trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Mỗi điểm sơ chế này, còn có sự hỗ trợ của 20 chiến sĩ thuộc Trung đoàn Gia Định, Bộ Tư lệnh Tp. Hồ Chí Minh nên đã đẩy nhanh được tiến độ hoàn tất công việc.

Đây được xem là nỗ lực của Satra trong phối hợp với chính quyền địa phương và lực lượng chuyên ngành sau khi yêu cầu hệ thống cửa hàng rà soát, kiểm tra điều kiện an toàn chống dịch COVID-19, đáp ứng tốt nhu cầu tăng cao của người dân trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, 3 siêu thị thuộc hệ thống bán lẻ Satra là Satramart siêu thị Sài Gòn, Phạm Hùng và Củ Chi cũng được tăng cường từ 10-20% nguồn nhân lực sau khi hoàn thành thủ tục cấp Giấy đi đường.

Theo bà Đỗ Thị Dậu, Giám đốc Satramart Siêu thị Sài Gòn, quận 10, Tp. Hồ Chí Minh, tăng cường nguồn nhân lực đã giúp siêu thị soạn và nhận nhiều đơn hàng nhanh hơn. Đồng thời, cũng giảm áp lực cho đội ngũ nhân viên; quan trọng nhất là có thể chuyển được những đơn hàng này đến tay người tiêu dùng sớm hơn.

"Ngoài việc soạn đơn hàng "đi chợ hộ", hệ thống siêu thị của Satra còn nhận giao hàng cho các tổ chức từ thiện với khá nhiều đơn hàng có giá trị cao. Chỉ tính riêng ngày 31/8/2021, Satramart siêu thị Sài Gòn đã cung cấp hơn 800 combo phục vụ người dân trên địa bàn quận 10 và các tổ chức tư thiện khác", bà Đỗ Thị Dậu cho biết thêm.

Thống kê tại Satramart Siêu thị Phạm Hùng có thể cung cấp lên đến hơn 380 combo cho người dân khu vực huyện Bình Chánh. Còn Satramart Siêu thị Củ Chi cung cấp hơn 400 combo phục vụ người dân trên địa bàn. Ngoài ra, Satramart Siêu thị Củ Chi vẫn tiếp tục cung cấp hơn 700 suất ăn cho khu cách ly tại trường Mầm non 2 xã Trung An, huyện Củ Chi.

Tương tự, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) hiện có gần 400 điểm phân phối trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Tại mỗi điểm có thể phục vụ 10.000 hộ, với 40.000 dân, trung bình 2.200 tấn hàng hóa mỗi ngày. Ngoài ra, hệ thống Co.opmart còn cung cấp 80.000 suất ăn cho toàn thành phố; trong đó Co.opXtra Phạm Văn Đồng tham gia khoảng 3.000 suất. 

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay, Saigon Co.op đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ lực lượng bộ đội thuộc Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân để kịp đẩy nhanh tiến độ phục vụ một phần chương trình 1 triệu gói an sinh xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh dành cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. 

Với sự hỗ trợ tích cực, kịp thời của quân đội, lượng hàng phục vụ gói an sinh xã hội do Saigon Co.op phụ trách, dự kiến sẽ được giao đến các đầu mối cần thiết, chỉ trong 70% tổng lượng thời gian, so với tiến độ dự kiến ban đầu.

Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail chia sẻ, trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến căng thẳng ở nhiều tỉnh thành, khiến đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản nói chung, Central Retail đã được hỗ trợ kết nối với hơn 1.300 đầu mối cung cấp nông sản có những gói bán hàng theo combo phù hợp cho tiêu dùng và phân phối cho người dân Tp. Hồ Chí Minh.

Central Retail với chuỗi siêu thị GO!, Big C, Topsmarket cũng thực hiện ký thỏa thuận hợp tác (MOU) với Tổ công tác 970, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhằm kết nối tiêu thụ đầu ra ổn định cho hợp tác xã, nông dân sản xuất tốt tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Hơn thế nữa, Central Retail đã tài trợ 1 tỷ đồng cho 10.000 gói combo nông sản, tương đương 120 tấn nông sản, hỗ trợ khơi thông nguồn hàng ở tỉnh và trao tặng cho hộ dân ở Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai.

Dự kiến ngay trong tuần này, Central Retail sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện 10.000 combo, gồm các loại rau, củ, quả… và nhanh chóng trao tặng đến hộ dân ở những địa phương kể trên.

Theo một số nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh tại Tp. Hồ Chí Minh, cùng với cấp thêm Giấy đi đường cho nhân viên, hỗ trợ nguồn nhân lực đã giúp nhiều thương hiệu bán lẻ hiện đại ổn định hoạt động và vận hành chuỗi bán lẻ thích ứng với yêu cầu thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”. 

Cùng với đó, nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh có điều kiện thúc đẩy phối hợp bộ, ngành, chính quyền địa phương, phòng kinh tế của các quận, huyện... để có thể đưa hàng hóa phục vụ cho người dân một cách nhanh nhất.

Mặt khác, hệ thống điểm bán cũng mạnh dạn đổi mới sáng tạo mở đa dạng nhóm chạt trên ứng dụng điện thoại thông minh, thông qua mạng xã hội... để tiếp nhận đơn hàng và trao đổi kịp thời với khách hàng tại khu dân cư. Hơn thế nữa, hệ thống điểm bán có nhân sự tham gia vào lực lượng "đi chợ hộ" của chính quyền địa phương để giao hàng đến tận nhà cho khách hàng.

Ở góc độ người dân Tp. Hồ Chí Minh, chị Ái Vân, cư ngụ tại thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh cho hay, gia đình đã nhận được đơn hàng đầu tiên sau khi tham gia đặt hàng khoảng 3 ngày.

So với khoảng thời gian mới thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh thì hiện nay, nhiều người thân và bạn bè cũng thông báo là đặt được đơn hàng và nhận hàng giao tại nhà từ lực lượng tham gia "đi chợ hộ" tại khu dân cư.

Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, nhu cầu mỗi cá nhân là khác nhau, nên thiết kế danh mục, combo hàng hóa tiêu dùng thiết yếu là vấn đề gây trở ngại nhất định cho nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh.

Mặt khác, tùy vào đặc thù từng địa phương, khu dân cư... mà quá trình triển khai có những khó khăn nhất định vì lực lượng phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đảm bảo người dân thực hiện quy định quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó” vừa mới được tổ chức và không có sẵn, nên sở, ngành và chính quyền thành phố Thủ Đức, quận, huyện đang khẩn trương khắc phục.

Thống kê trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có khoảng 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn không ngừng nỗ lực cung ứng hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đến người dân trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở đánh giá nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hàng ngày của khoảng 9,4 triệu dân, Tp. Hồ Chí Minh dự kiến cung cấp theo nhu cầu tiêu dùng bình quân các mặt hàng thiết yếu của người dân trên địa bàn thành phố là 10.964 tấn/ngày./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục