Tăng trưởng GDP đạt 6,7% trong năm 2018 là khả thi

11:57' - 01/10/2018
BNEWS Với quyết tâm điều hành và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ như hiện nay thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% trong năm 2018 là khả thi và thậm chí có thể cao hơn.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

9 tháng năm 2018, tăng trưởng GDP của cả nước đã đạt 6,98%. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm nay thì tăng trưởng GDP quý IV cần đạt 6,11%. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, ông Nguyễn Bích Lâm, với quyết tâm điều hành và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ như hiện nay thì khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,7% trong năm 2018 là khả thi và thậm chí có thể cao hơn. Để hiểu rõ hơn, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm xung quanh nội dung này.

Phóng viên: Quý III tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng tích cực của các quý trước, góp phần đưa tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2018 đạt 6,98%, ông có bình luận gì về mức tăng trưởng này?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Đây là mức tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất 8 năm qua, là nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Trước đây, căn cứ vào tình hình thực tế về năng lực sản xuất của nền kinh tế, chúng tôi đã dự báo xu thế tăng trưởng năm nay sẽ khác với mọi năm, không còn xu hướng quý sau cao hơn quý trước mà sẽ theo hướng tốc độ tăng giảm dần qua từng quý.

Thực tế, quý I năm nay GDP tăng 7,45% và đến quý II tốc độ tăng giảm xuống còn 6,73% nhưng đã bật lên 6,88% trong quý III. Mặc dù tốc độ tăng này thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý III/2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý III các năm 2011-2016.

Việc đảo chiều xu hướng tốc độ tăng GDP so với dự đoán của chúng tôi càng khẳng định tính kịp thời và hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đã thường xuyên theo dõi, đôn đốc kiểm tra tình hình thực hiện từng lĩnh vực trong từng tháng, từng quý ngay từ đầu năm nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2018. Nhờ đó, chúng ta đã có được kết quả tăng trưởng 9 tháng như hiện nay.

Phóng viên: Thưa ông, đâu là những động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 9 tháng qua?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Nói đến động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam 9 tháng qua, phải kể đến đầu tiên là sự tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hiện đang đóng góp trên 60% giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp, đó là điểm sáng của khu vực công nghiệp và là động lực chính của tăng trưởng kinh tế với mức tăng trưởng 9 tháng đạt 12,65%, đóng góp tới 2,56 điểm phần trăm vào tăng trưởng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Tiếp đến là xuất khẩu. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 9 tháng ước tính đạt gần 179 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 9 tháng, Việt Nam có tới 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; trong đó, có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 58,2%. Nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu mà 9 tháng năm nay chúng ta đã xuất siêu gần 5,4 tỷ USD; trong đó, phải kể đến sự đóng góp của khu vực FDI xuất siêu 23,65 tỷ USD.

Bên cạnh đó là sự đóng góp của ngành nông nghiệp và thủy sản. Sau một thời gian tụt dốc tăng trưởng thì ngành nông nghiệp thể hiện xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,78%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2012-2018 và ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,37%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất 8 năm qua.

Trong 9 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã đóng góp cho tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 0,62 điểm phần trăm, trong đó ngành nông nghiệp đóng góp 0,36 điểm phần trăm và ngành thủy sản đóng góp 0,22 điểm phần trăm. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đang từng bước khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này.

Ngành nông nghiệp phục hồi được chủ yếu do trồng trọt tăng trưởng khá, trong thời gian qua cơ cấu cây trồng được chuyển dịch theo hướng tích cực, chuyển dần diện tích trồng lúa sang các loại cây khác và nuôi trồng thủy sản cho giá trị cao hơn. Với ngành chăn nuôi thì sau 16 tháng liên tục giảm đàn lợn thì hai tháng gần đây đã có tín hiệu tích cực, từng bước phục hồi.

Ngành thủy sản trong 9 tháng cũng gặp được nhiều thuận lợi về thời tiết, về giá cả và thị trường tiêu thụ đối với việc nuôi trồng tôm nước lợ và cá tra nên kết quả tăng trưởng của ngành thủy sản đã đóng góp vào tăng trưởng chung.

Và theo tôi các giải pháp đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng như việc chuyển đổi cơ cấu của các ngành đang đi theo đúng hướng.

Phóng viên: Một hạn chế của bức tranh kinh tế 9 tháng, đó là xuất nhập khẩu dễ bị tổn thương do các nhân tố bên ngoài. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã và đang ảnh hưởng gì đến tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay. Phải chăng chúng ta đang chịu rủi ro từ quy mô nền kinh tế nhỏ trong khi độ mở lớn, lại đặt trong bối cảnh thương mại thế giới đang có nhiều bất ổn?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Nền kinh tế nước ta có độ mở tăng nhanh, thuộc nhóm nước có độ mở của nền kinh tế cao trong khu vực ASEAN, chỉ thấp hơn độ mở kinh tế của Singapore.

9 tháng năm 2018, độ mở của chúng ta đạt 229,5%. Độ mở nền kinh tế cao chứng tỏ Việt Nam đã khai thác được thế mạnh của kinh tế trong nước; đồng thời, tranh thủ được thị trường thế giới. Tuy nhiên, độ mở cao và tăng nhanh phản ánh thực tế nền kinh tế nước ta phụ thuộc khá nhiều vào bên ngoài, mọi biến động của thế giới cũng tác động tới nền kinh tế trong nước, thậm chí nền kinh tế nước ta có thể bị cuốn vào “vòng xoáy” của những biến động đó.

Xét về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung thì Việt Nam chịu cả ảnh hưởng tiêu cực lẫn những tác động tích cực. Nhưng với phạm vi và quy mô xung đột như hiện nay thì chưa có tác động tiêu cực nhiều một cách trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu, thực tế là xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang tăng trưởng rất tốt và có khả năng sẽ duy trì cho tới hết năm nay. Tuy nhiên, cũng cần phải chuẩn bị cho những rủi ro có thể xảy ra trong thời gian tới.

Đối với tác động tích cực, chúng ta có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu một số mặt hàng có lợi thế cạnh tranh vào thị trường Mỹ, Trung Quốc và một số đối tác. Xung đột thương mại Mỹ - Trung tạo thêm động lực cho chúng ta thúc đẩy mạnh hơn nữa và triển khai thực chất chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường và đối tác.

Cuộc chiến tranh thương mại này cũng mang tới khá nhiều rủi ro, đó là: nếu cuộc chiến này kéo dài và mở rộng cho nhiều loại mặt hàng thì sẽ tác động lớn tới Việt Nam do chúng ta đang ngày càng tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Trung Quốc có thể dịch chuyển sản xuất trong nước sang các nước khác, trong đó có thể có Việt Nam nên nếu không quản lý tốt thì chúng ta dễ bị chịu hệ lụy của việc dịch chuyển công nghệ thấp vào Việt Nam, thậm chí rủi ro gian lận thương mại sẽ tăng do Trung Quốc và một số nước lợi dụng Việt Nam làm điểm trung gian để xuất khẩu sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế.

Do vậy chúng ta phải có giải pháp tranh thủ các tác động tích cực, hạn chế những mặt tiêu cực đối với các biến động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung này.

Phóng viên: Với những kết quả đạt được trong 9 tháng qua, xin ông đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2018? Tổng cục Thống kê sẽ có sự tham mưu với Chính phủ, các bộ, ngành như thế nào trên cơ sở các con số thống kê để góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% mà Chính phủ quyết tâm đạt được trong năm nay?

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Tính đến 9 tháng, tăng trưởng GDP đã đạt 6,98% nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm nay thì tăng trưởng GDP quý IV cần đạt 6,11%. Với quyết tâm điều hành và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ như hiện nay thì khả năng đạt được mục tiêu 6,7% là khả thi, thậm chí có thể cao hơn.

Để đạt được tăng mức trưởng cao, theo chúng tôi nên tập trung vào một số giải pháp chính như: tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, hỗ trợ thanh khoản hợp lý cho các tổ chức tín dụng. Kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, nhất là tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng; tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, chúng ta cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế, cắt giảm thực chất điều kiện kinh doanh đang là rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh cá thể, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp thành lập và phát triển.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch. Thực hiện quyết liệt việc giám sát, ngăn ngừa hoạt động đánh bắt hải sản trái quy định của Liên minh châu Âu. Chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi…

Đặc biệt, chúng ta cần theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường trong nước và thế giới, diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, biến động của đồng đô la Mỹ, đồng Nhân dân tệ và giá các mặt hàng để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2018 dưới 4%; thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, chủ động kết nối, phát triển các kênh phân phối sản phẩm hàng hóa của Việt Nam; kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu, nhất là hàng tạm nhập, tái xuất, hàng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất...

Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của nền kinh tế được mở rộng sẽ làm căn cứ cho tăng trưởng kinh tế trong quý IV/2018 và các năm tiếp theo.

Phóng viên: Xin cám ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục