Tăng trưởng kinh tế của Hong Kong (Trung Quốc) thấp hơn kỳ vọng

09:18' - 01/08/2023
BNEWS GDP quý II của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 1,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức kỳ vọng 3,5%. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ quý IV/2022.

Ngày 31/7, Cơ quan thống kê Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) đã công bố dữ liệu kinh tế quý II. Theo đó, GDP quý II của Hong Kong tăng 1,5% so với cùng kỳ, thấp hơn mức kỳ vọng 3,5%. Đây cũng là mức thấp nhất kể từ quý IV/2022.

 

Cơ quan thống kê Hong Kong nhấn mạnh, sự tăng trưởng liên tục trong quý II chủ yếu nhờ tiêu dùng tư nhân và thương mại dịch vụ đều duy trì đà tăng trưởng ổn định. Sau khi tăng 13% trong quý I, chi tiêu tiêu dùng cá nhân quý II tiếp tục tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, chi tiêu của chính quyền trong quý II giảm 9,6% so với cùng kỳ, đảo ngược mức tăng 1,3% của quý I.

Tổng tài sản cố định quý II giảm 1% sau khi tăng 7,9% trong quý I. Xuất khẩu hàng hóa quý II tiếp tục giảm 15,3% sau khi giảm 18,9% trong quý I. Tương tự, nhập khẩu hàng hóa quý II giảm 16,1% sau khi giảm 14,6% trong quý I. Xuất khẩu dịch vụ quý II tăng 22,6%, tăng tốc đáng kể so với mức 16,6% của quý I. Trong khi đó, nhập khẩu dịch vụ tiếp tục tăng mạnh 30,2% trong quý II sau khi tăng 20,7% trong quý I.

Theo người phát ngôn của chính quyền Hong Kong, dưới sự thúc đẩy của ngành du lịch và tiêu dùng tư nhân, kinh tế Hong Kong tiếp tục phục hồi trong quý II, mặc dù đà phục hồi chậm lại so với quý I.

Phân tích theo một số cấu thành chi tiêu chủ chốt, do nhu cầu hàng hóa bên ngoài vẫn yếu nên xuất khẩu hàng hóa tiếp tục giảm mạnh. Hưởng lợi từ số lượng khách du lịch đến Hong Kong gia tăng nên xuất khẩu dịch vụ tăng nhanh. Với việc kinh tế tiếp tục phục hồi, chi tiêu tiêu dùng cá nhân tăng đáng kể. Tuy nhiên, trong bối cảnh điều kiện tài chính thắt chặt, chi tiêu đầu tư tổng thể sụt giảm nhẹ.    

Về triển vọng, ngành du lịch và tiêu dùng tư nhân vẫn sẽ là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế trong thời gian còn lại của năm nay. Lượng khách du lịch gia tăng sẽ thúc đẩy phục hồi hơn nữa năng lực vận chuyển và tiếp nhận. Tình hình và triển vọng kinh tế cải thiện sẽ có lợi cho việc hỗ trợ nhu cầu bên trong, mặc dù điều kiện tài chính thắt chặt có thể sẽ gây nên hạn chế.

Xét một cách cụ thể, tình hình thị trường lao động cải thiện, cộng thêm chính quyền áp dụng nhiều biện pháp củng cố động lực phục hồi sẽ hỗ trợ thêm cho tiêu dùng tư nhân. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài, nên xuất khẩu hàng hóa sẽ tiếp tục chịu sức ép lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục