Tạo "bước nhảy" cho dịch vụ logistics

14:16' - 26/11/2020
BNEWS Các doanh nghiệp tăng cường áp dụng thành tựu của cuộc CMCN 4.0 trong các dịch vụ logistics như: ứng dụng công nghệ blockchain; ứng dụng công nghệ in 3D nhằm giảm thiểu thời gian lưu kho và sản xuất.

Sáng 26/11, tại Hà Nội đã khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020 do Bộ Công Thương tổ chức.

Đây là sự kiện lớn thường niên về ngành dịch vụ logistics, thu hút sự quan tâm của hơn 50 tổ chức quốc tế, hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, sản xuất, xuất nhập khẩu và các bộ ngành liên quan. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tham dự.

* Những đột phá chiến lược

Tại Diễn đàn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đánh giá cao việc Bộ Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) cùng các bộ, ngành, địa phương tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam thường niên lần thứ 8 và coi đây cũng là dịp để các doanh nhân, các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế và trong nước trao đổi, thảo luận về phương hướng, giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics.

Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ, Việt Nam triển khai Chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 trong bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có nhiều biến động, dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều dự báo căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại, chủ nghĩa bảo hộ, suy thoái kinh tế - thương mại toàn cầu, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư ...

Điều này đòi hỏi phải thực sự gắn kết và chủ động thích ứng để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức; phát huy những thành tựu, kinh nghiệm trong thời gian vừa qua, thực hiện những đột phá chiến lược trong phát triển dịch vụ logistics. Từ đó góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Nhằm góp phần cắt giảm chi phí và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam trên cơ sở chuyển đổi số, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ đã gợi mở một số nội dung gồm: thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực logistics; trong đó, khuyến khích doanh nghiệp logistic đầu tư cho hoạt động R&D thành lập các trung tâm nghiên cứu riêng nhằm phát triển và ứng dụng các công nghệ mới vào các hoạt động logistics và có sự liên hệ chặt chẽ với chương trình phát triển khoa học của Chính phủ cũng như dự án nghiên cứu khoa học của các trường Đại học lớn để tận dụng vốn đầu tư và mạng lưới các chuyên gia.

Cùng với đó, các doanh nghiệp tăng cường áp dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các dịch vụ logistics như: ứng dụng công nghệ blockchain trong quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa; ứng dụng công nghệ in 3D nhằm giảm thiểu thời gian lưu kho và sản xuất.

Đồng thời, sử dụng hệ thống quản lý vận tải, kết hợp công nghệ điện toán đám mây và định vị vệ tinh cho phép doanh nghiệp truy xuất vị trí hàng hóa, quản lý phương tiện vận chuyển tại các khu vực hẻo lánh hoặc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt; ứng dụng công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường giúp nhận diện nhanh chóng thông tin lô hàng, từ đó đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng.

Ngoài ra, các ngành chức năng xây dựng mạng lưới liên kết các doanh nghiệp logistic đảm bảo sự kết nối giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động logistics thông qua các biện pháp như: phát triển hệ thống logistics 3PL, 4PL gắn với thương mại điện tử.

Cùng đó, thiết lập hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, các hãng vận tải và ngân hàng để cung cấp thông tin phục vụ quản lý hải quan và thông quan hàng hóa; thúc đẩy hợp tác với các tập đoàn công nghệ cao để hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho cơ quan, doanh nghiệp, các đối tác và khách hàng trong lĩnh vực logistics....

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Đề án kiện toàn bộ máy nhân sự phù hợp cho bộ phận đầu mối giúp việc Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại để triển khai nhiệm vụ điều phối và phát triển logistics quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách, chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế; trong đó chú trọng việc nâng cao toàn diện năng lực thực thi các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam khẩn trương xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics, từ đó chỉ rõ “điểm nút” trong chi phí logistics.

Điều này nhằm tập trung phát huy nội lực, giải phóng các nguồn lực tiềm năng trong xã hội, tận dụng cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số tạo ra bước nhảy phát triển dịch vụ logistics của Việt Nam. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của nền kinh tế.

Đặc biệt, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nguồn kinh phí hỗ trợ hàng năm từ ngân sách Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả “Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025” ; nâng cao hiệu quả và chất lượng các hoạt động thông tin tuyên truyền, phổ biến, cập nhật tình hình hội nhập kinh tế quốc tế; tạo sự kiên định và đồng thuận cao trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Việt Nam.

Các hiệp hội, doanh nghiệp cũng chủ động và tăng tính ổn định nguồn nguyên vật liệu giảm phụ thuộc nhập khẩu. Bởi hầu hết hạn chế của các ngành là chưa chủ động được nguồn nguyên vật liệu còn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài khiến hoạt động sản xuất không ổn định, một phần giá thành cao ảnh hưởng bởi tỷ giá, ...

Đồng thời, các hiệp hội, doanh nghiệp cần quán triệt quan điểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tăng thêm phần giá trị gia tăng của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu, tránh xuất khẩu các sản phẩm, hàng hóa sơ chế, có khối lượng lớn nhưng giá trị thấp gây ảnh hưởng đến chi phí vận tải, logistics.

* Triển vọng mới từ các hiệp định

Báo cáo tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, đại dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 1/2020 đã tác động đến hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Cho đến tháng 7 vừa qua, làn sóng COVID-19 lần thứ hai lần lượt xuất hiện ở nhiều quốc gia lớn với diễn biến phức tạp, lây nhiễm rất nhanh trên phạm vi toàn cầu đã gây ra những tác động nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội; trong đó, phải kể đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, ngừng trệ của hoạt động logistics trên toàn cầu mà cho đến nay vẫn chưa phục hồi lại được hoàn toàn.

Tuy vậy, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trong thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch COVID-19, đồng thời tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... nên đã phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế.

Tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được ổn định, lạm phát được kiểm soát, cân đối lớn về tài chính và tiền tệ, tín dụng được bảo đảm, mặt bằng lãi suất giảm.

Điều này đã phần nào phản ánh qua tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sau 10 tháng đạt 439,8 tỷ USD, tăng 2,62% so với cùng kỳ năm 2019. Trong 10 tháng của năm nay, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tiếp tục xuất siêu kỷ lục 18,72 tỷ USD.

Điểm sáng trong hoạt động thương mại thời gian vừa qua là xu hướng chuyển đổi thói quen mua sắm của người dân, ứng dụng mua sắm trực tuyến nhiều hơn, điều này sẽ kéo theo việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số hóa trong lĩnh vực thương mại và logistics.

Qua đó, đem lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp thương mại điện tử, cho hộ kinh doanh cá thể, cá nhân, ... nhờ việc giảm chi phí thuê cửa hàng, chi phí bán hàng trong khi lại mở rộng được thị trường trên môi trường mạng internet.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bên cạnh những yếu tố tác động tích cực thì việc thực thi các hiệp định thương mại tự do sẽ làm gia tăng áp lực cạnh tranh.

Việc giảm thuế quan có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước thành viên trong Hiệp định vào Việt Nam gia tăng, tạo sức ép cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước.

Nguy cơ này đặc biệt phải chú trọng quan tâm đối với nhóm hàng nông sản vốn gắn liền với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập kinh tế là nông dân và nông thôn.

Hơn nữa, các cam kết mở cửa thị trường lĩnh vực dịch vụ logistics trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA  không quá xa so với các cam kết của Việt Nam trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và cơ bản là phù hợp với các quy định pháp luật và chính sách hiện hành.

Riêng đối với dịch vụ logistics, các Hiệp định này có thể tác động tới triển vọng phát triển ở hai góc độ cam kết mở cửa thị trường trong lĩnh vực vận tải và phục vụ vận tải.

Cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng đến dung lượng thị trường dịch vụ logistics trên các góc độ quy mô do tăng nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ, nhu cầu mở rộng công suất, đầu tư và thực hiện dịch vụ.

Trong cả hai khía cạnh này, cơ hội và thách thức đều khá lớn trong bối cảnh doanh nghiệp logistics nội địa có sức cạnh tranh không cao.

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2020, ngoài phiên toàn thể với chủ đề "Cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế", các đại biểu còn tập trung thảo luận xung quan các nội dung như hạ tầng logistics - xu hướng và cơ hội; chuyển đổi số trong logistics./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục